Cụ thể, ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 kết thúc, dư luận đã xôn xao khi phát hiện buổi tổng ôn đêm cuối trước ngày thi cho 4.000 thí sinh khóa VIP của ông Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh giống đến 80% đề thi thật do Bộ GD&ĐT công bố.
Thầy giáo Phan Khắc Nghệ - người liên quan đến vụ lùm xùm đề ôn tập giống đề thi chính thức môn Sinh học vào năm 2021. |
Tổ ra đề môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 gồm bà Phạm Thị My, giáo viên làm tổ trưởng, ông Bùi Văn Sâm thành viên của tổ thẩm định.
Ngày 4/8, Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT về việc thành lập tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tổ công tác gồm: Bộ GD&ĐT (lãnh đạo các cục, vụ, thanh tra, các chuyên viên), Bộ Công an (A03, A05) và các chuyên gia môn sinh học đã vào Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để cùng thực hiện đối chiếu, so sánh đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với đề trong video của ông Phan Khắc Nghệ.
Theo tài liệu mà Tiền Phong có được, Tổ chuyên gia đã làm việc trong 6 ngày. Tư liệu sử dụng đối sánh gồm 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ ra đề lựa chọn (mã đề 210, 211, 212, 213); 4 đề duyệt chốt bởi Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2021; 1 bản PDF đề VIP40 được ông Phan Khắc Nghệ dạy ôn luyện cho học sinh (gồm 40 câu, từ 81 đến 120); 3 video trực tiếp của ông Nghệ: video cô đọng lý thuyết trọng tâm (37 câu, từ câu 1 đến câu 36, trong đó có 2 câu 24); video chữa đề VIP40 (123 câu); video câu giao tử bị xóa sau khi livestream (có 3 câu, từ 121 đến 123); các tệp được ông Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My và ông Bùi Văn Sâm, các tệp bà Phạm Thị My gửi ông Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2021.
Kết luận của Tổ chuyên gia cho thấy qua đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề này đều trùng nhau theo thứ tự các câu hỏi tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính thì không thể có hiện tượng này.
Các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ có sự trùng lặp rất lớn. Cụ thể trong số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng, chiếm tỷ lệ 97,5% với các câu hỏi trong nội dung ôn tập của ông Nghệ.
Trong số 39 câu trùng nói trên có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%); riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210; câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210, 212, trùng 1 phần với 2 mã đề 211 và 213.
Đặc biệt có một câu về diễn thế sinh thái có ở cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa. Tuy vậy, câu hỏi này cũng xuất hiện trong video của ông Nghệ.
Trong các video chữa để ôn tập, từng câu hỏi về một vấn đề rất hẹp cụ thể với một đáp án đúng duy nhất, ông Nghệ dạy học sinh cách nhận dạng ra các tình huống khác nhau có thể xuất hiện trong các mã đề thi tốt nghiệp THPT 2021 nhưng vẫn chung 1 đáp án như ông đã dạy.
Đối với 4 mã đề đã duyệt chốt, tổ chuyên gia cũng đánh giá các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung của ông Nghệ có sự trùng lặp rất lớn. Cụ thể, trong tổng số 40 câu hỏi của từng mã đề này có 37 câu hỏi trùng, chiếm 92,5% với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ.
Đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề bị loại được tổ chuyên gia lựa chọn ngẫu nhiên từ 12 mã đề bị loại với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy có sự trùng lặp rất thấp, phần lớn là khác biệt.
Đánh giá độ khó của 8 câu hỏi cuối cùng trong 1 đề thi tốt nghiệp THPT chính thức đợt 1 và 8 câu hỏi cuối cùng trong 1 đề thi thô bị loại cho thấy: các câu hỏi cuối trong mã đề tổ ra đề chọn có mức độ khó cao hơn mã đề bị loại.
Các thành viên Tổ ra đề có kết quả làm đúng là khác nhau, phần lớn dừng lại ở 4-5 câu trả lời đúng. Mặc dù mã đề bị loại được đánh giá có mức độ khó thấp hơn 4 mã đề duyệt chốt nhưng bà Phạm Thị My, khi đó là Tổ trưởng tổ ra đề môn Sinh, có số câu trả lời đúng thấp hơn ở mã đề này; ông Bùi Văn Sâm với vai trò là thành viên của tổ thẩm định khẳng định không thể làm đúng câu nào với mã đề bị loại trước đó bởi tổ ra đề. Thời gian tổ ra đề sử dụng để làm 8 câu hỏi cuối cùng của mã đề duyệt chốt là quá lớn (trong khoảng 60 – 85 phút) so với thời gian dành cho học sinh làm bài thi (50 phút với 40 câu hỏi/1 mã đề).
Khi nhận được thông tin về sự trùng lặp giữa các câu hỏi của đề thi chính thức và nội dung ôn tập của mình, ông Phan Khắc Nghệ cho biết có thảo luận, trả lời khi được hỏi về chuyên môn nhưng khẳng định không vi phạm. Đồng thời, ông cũng mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có kết luận rõ ràng về vụ việc này.
Như Tiền Phong đã đưa tin, tối 10/6, Bộ Công an cho biết, căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ GD&ĐT". Đồng thời, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (SN 1963) và ông Bùi Văn Sâm (SN 1949), nguyên giáo viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt bị can tạm giam với bà Phạm Thị My và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Bùi Văn Sâm.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra, làm rõ sai phạm của bị can và trách nhiệm của những người có liên quan theo quy định của pháp luật.