Nghi vấn đề thi tốt nghiệp môn Sinh học bị lộ: Đang xem xét trách nhiệm người liên quan

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau nửa năm dư luận đặt nghi vấn đề thi Tốt nghiệp THPT 2021 Bộ môn Sinh học giống 90% đề luyện thi của thầy giáo ở Hà Tĩnh, chiều qua (23/12), Bộ GD&ĐT mới thông tin, đơn vị đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định và rà soát khâu đề thi.

Nửa năm vẫn chỉ “đang xem xét”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, liên quan đến đề thi môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đơn vị đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi chính thức của Bộ.

“Hiện nay, Bộ đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định. Đồng thời chỉ đạo triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để bảo đảm việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất”, ông Độ thông tin.

Nghi vấn đề thi tốt nghiệp môn Sinh học bị lộ: Đang xem xét trách nhiệm người liên quan ảnh 1

Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Quỳnh Anh

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), nói rằng dư luận đặt câu hỏi về sự việc ngay sau khi kỳ thi kết thúc đến nay nhưng Bộ GD&ĐT vẫn né tránh sẽ khiến dư luận mất niềm tin vào giáo dục, nhất là từ sau những vụ việc gian lận thi THPT quốc gia 2018. “Trong khi, liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT là sự việc quá lớn, Bộ GD&ĐT cần làm rõ và nhận trách nhiệm (nếu có) và phải nhìn thẳng vào sự thật ai sai đến đâu, xử lý đến đó. Nếu sự việc nghiêm trọng, làm lộ bí mật quốc gia cần thiết phải truy tố”, ông Vinh nói.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam cũng cho rằng, đề của kỳ thi mang tính quốc gia với quy trình chặt chẽ sẽ không bao giờ có chuyện trùng lặp nội dung với đề luyện thi của bất cứ giáo viên nào. Bởi hằng năm, giáo viên đóng góp các câu hỏi vào ngân hàng đề của Bộ GD&ĐT, sau đó, tùy vào ma trận đề thi, các câu hỏi sẽ được xáo trộn để đảm bảo ra được các mã đề khác nhau. Do đó, trong trường hợp này chỉ có 2 khả năng xảy ra: Đề thi môn Sinh học bị lộ; thứ 2 là những thành viên trong Tổ làm đề lấy luôn câu hỏi của giáo viên luyện thi cho vào đề.

“Hiện nay, Bộ đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định. Bộ cũng đang chỉ đạo triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để bảo đảm việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Trong 2 trường hợp này, trường hợp thứ nhất khó xảy ra còn trường hợp thứ 2 nếu có sẽ đặt ra vấn đề rất lớn do quy trình làm đề của Bộ GD&ĐT hiện nay còn kẽ hở. “Kết quả kỳ thi ảnh hưởng rất lớn đến các thí sinh, do đó Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ đúng, sai và trả lời dư luận”, TS Khuyến nói.

Thí sinh chạy theo luyện thi

TS Phạm Văn Lập, thành viên tổ chuyên gia của Bộ GD&ĐT tham gia xác minh sự việc cho rằng, việc có câu hỏi khó ngoài SGK nhưng trong bài tổng ôn của giáo viên ở Hà Tĩnh vẫn có câu đó là khó có thể chấp nhận. Ngoài ra, khi đánh giá các câu hỏi khó của đề thi, cụ thể là 8 câu hỏi cuối cùng trong 1 đề thi Tốt nghiệp THPT chính thức và 8 câu hỏi cuối cùng trong 1 đề thô bị loại, cho thấy các câu hỏi cuối trong mã đề tổ ra đề chọn có mức độ khó cao hơn ở mã đề bị loại. Điều này cho thấy, các câu hỏi phân hóa đang khiến cho học sinh phải chạy theo các lớp ôn luyện, mẹo mực mới làm được bài thi.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên bộ môn Sinh học, Hệ thống giáo dục Học Mãi, người từng có tâm thư kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về sự việc cũng nói rằng, từ năm 2015 đến nay, xu hướng các câu hỏi phân hóa (khoảng 8 câu cuối) bộ môn Sinh học đang bị toán hóa, mẹo mực khiến học sinh rất vất vả chạy theo luyện thi.

Ví dụ, với đề thi năm 2021, thầy Hiền phải mất 30 phút mới giải quyết được 8 câu cuối trong khi đề thi có 40 câu, yêu cầu học sinh làm trong 50 phút.

Theo thầy Hiền, lâu nay học sinh vẫn học theo kiểu đề thi thế nào, học sinh ôn luyện theo đó. “Nhưng thực tế toán hóa đề Sinh thì chính các em học sinh sẽ bị vây quanh ma trận của người ra đề, người viết sách, người luyện thi. Học sinh bị làm khó bởi các câu “trên trời”, giải quyết được đủ thời gian thì phải sử dụng các công thức tính nhanh, thủ thuật. Tiêu cực sẽ từ đây mà ra”, thầy Hiền nói.

MỚI - NÓNG