Đề nghị cấm xuất cảnh người bị thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn bỏ trốn

TPO - Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

Ngày 9/7, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức cuộc họp, cho ý kiến báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Khánh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến Cơ sở dữ liệu Quốc qua về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Về cấp hộ chiếu, Ủy ban đề nghị quy định cụ thể, tách bạch đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Đề nghị cấm xuất cảnh người bị thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn bỏ trốn ảnh 1 Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Ảnh QH

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, công dân Việt Nam khi xuất cảnh ra nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn được tạo điều kiện thuận lợi để nhập cảnh về nước và không bị hạn chế bất kỳ trước hợp nào, phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế và nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều đã khẳng định quyền trở về của công dân không bị hạn chế. Do đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không hạn chế quyền nhập cảnh của công dân trong bất kỳ trường hợp nào.

Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án; và người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh và chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề nghị lược bỏ quy định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết.

Đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Đối với các điều khoản liên qua đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Cũng tại buổi làm việc, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra, Bộ Ngoại giao rà soát lại phạm vi, danh mục, đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ cho đồng bộ để đúng quy định, đúng chính sách.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, ông yêu cầu rà soát để quy định cho hiệu quả, đúng với Luật Tổ chức Chính phủ. Bên cạnh đó, quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh trong dự thảo luật cũng chưa được logic, cần tập trung chỉnh sửa.

Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 35 tới đây.

MỚI - NÓNG