Để mất hơn 10 nghìn ha rừng, ai chịu trách nhiệm?

Cty Cư M’lan để mất rừng, đất rừng bị người dân lấn chiếm (ảnh lớn); Một góc nhà của ông Quyến làm từ nhiều loại gỗ quý (ảnh nhỏ).
Cty Cư M’lan để mất rừng, đất rừng bị người dân lấn chiếm (ảnh lớn); Một góc nhà của ông Quyến làm từ nhiều loại gỗ quý (ảnh nhỏ).
TP - Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Ea Súp ( Đắk Lắk) nhận định từ năm 2009 - 2017, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan (Cty Cư M’lan) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao hơn 14,7 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp nhưng Cty đã làm mất tới hơn 10,5 nghìn ha. Trong khi đó công tác trồng rừng không hiệu quả, nhiều vụ vi phạm lâm luật không được bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Lập 2.643 biên bản vi phạm...

Văn bản thông báo số 27 của UBKT Huyện ủy Ea Súp  kết luận dấu hiệu vi phạm của ông Nguyễn Văn Quyến - Bí thư chi bộ, Phó giám đốc Cty Cư M’lan  cho thấy:Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các quyết định giao và cho Cty Cư M’lan thuê quản lý bảo vệ, chăm sóc hơn 14,7 nghìn ha đất rừng và đất lâm nghiệp (trong đó gần 11,6 nghìn ha sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp; hơn 3,1 nghìn ha rừng phòng hộ). Năm 2011 ông Quyến được giao nhiệm vụ Phó giám đốc tại công ty, phụ trách công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), hồ, công tác kỹ thuật sản xuất và nhiệm vụ khác.

Tuy nhiên, từ 2009 đến thời điểm kiểm tra, trong tổng số hơn 14,7 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp được giao, công ty đã để mất tới hơn 10,5 nghìn ha (trong đó gần 9 nghìn ha rừng sản xuất và hơn 1,5 nghìn ha rừng phòng hộ). Nguyên nhân: do công ty chưa xây dựng được các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng hữu hiệu; thiếu tính chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, dẫn đến công tác tuần tra, bảo vệ rừng không có hiệu quả; tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc cũng như một số cán bộ, người lao động chưa cao. Về trách nhiệm cá nhân, UBKT cho rằng ông Quyến chưa tham mưu cho Ban Giám đốc xây dựng và triển khai được phương án QLBVR hiệu quả.

Năm 2013 và 2014, Cty Cư M’lan được giao trồng 100 ha rừng, với nguồn kinh phí 2,884 tỷ đồng… nhưng đến nay tỷ lệ cây sống rất thấp, có khoảnh tỷ lệ sống chỉ đạt từ 5 - 15%. Năm 2009-2014 Cty phát hiện 8 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ vi phạm hình sự, 6 vụ vi phạm hành chính do đối tượng vi phạm chống đối nhưng không chuyển cho cơ quan pháp luật. Đối với các hành vi phá rừng, lấn chiếm, xâm canh  đất rừng dựng lán trại, trồng hoa màu… Công ty đã thiết lập 2.643 biên bản vi phạm với diện tích bị phá tổng cộng tới hơn 4 nghìn ha, nhưng không có giá trị pháp lý. “Đây là trách nhiệm của Ban Giám đốc và tập thể cán bộ, người lao động công ty; trong đó có trách nhiệm của bản thân đồng chí Quyến… đã không kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý ngay từ ban đầu; không báo cáo kịp thời cho Ban giám đốc, nên không bàn giao được cho các ngành chức năng để xử lý, do thiếu hồ sơ”, lược trích văn bản của UBKT Huyện ủy Ea Súp.

Ngoài ra, công ty còn quản lý tài chính không đúng quy định, nợ thuế tài nguyên hơn 800 triệu đồng; chiếm dụng kinh phí quản lý và bảo vệ rừng sản xuất nghèo kiệt năm 2013, 2014 hơn 1,5 tỷ đồng; không thực hiện trích khấu hao tài sản cố định; để tình trạng nợ lương cán bộ và người lao động của Cty kéo dài tới 16 tháng. Trong đó có trách nhiệm của tập thể công ty, và cá nhân ông Quyến.

Nợ công nhân 16 tháng lương, lãnh đạo Cty vẫn làm nhà gỗ “khủng”

UBKT Huyện ủy Ea Súp cho biết: việc làm nhà gỗ “khủng” của ông Quyến đã gây dư luận xấu, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào công tác QLBVR trên địa bàn huyện (báo Tiền Phong đã có bài phản ánh - PV). Căn nhà gỗ 7 gian của ông Quyến tại đường Hùng Vương rộng 95 m2 với 20 cột tròn tổng khối lượng gỗ lên tới 12 m3, nhưng ông Quyến cho rằng đã mua lại căn nhà này từ một người dân địa phương với giá chỉ có... 45 triệu. Tổng kinh phí sửa chữa hết 125 triệu.

Còn căn nhà tại đường Nguyễn Văn Trỗi đắt giá hơn nhưng ông Quyến không khai báo với chi bộ. Theo ông Quyến, căn nhà này có 9 gian, rộng 8,7 m, dài 25 m; tổng khối lượng gỗ 22,713 m3 gồm các chủng loại gỗ quý hiếm gồm: cà chít, căm xe, gõ, sao, kền kền, dầu, băng lăng. Tổng kinh phí làm hết gần 587 triệu đồng.

Trong thiết kế, căn nhà này sẽ tiêu tốn một lượng gỗ lớn với 32 cột hiên, 20 cột dài... Ông Quyến cho biết, số gỗ nói trên ông mua lại của ngươi dân, số còn lại tận dụng căn nhà cũ và mua của công ty.

Từ những sai phạm trên, ông Quyến bị UBKT Huyện ủy Ea Súp  kỷ luật cảnh cáo.

PV Tiền Phong đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Quyến, về việc có khiếu nại gì về kết luận của UBKT Huyện ủy Ea Súp? Ông Quyến cho biết: Ngày xưa định khiếu nại, nhưng rồi không làm. “Nói chung cũng chẳng sao đâu, khiếu nại chi thêm vất vả”, ông Quyến nói. Đến nay công ty vẫn còn nợ 16 tháng lương của cán bộ nhân viên. Ai cũng có nguyện vọng được công ty trả nợ.

MỚI - NÓNG