Để đối ngoại đi tiên phong

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13, vị thế và vai trò của đối ngoại được đề cao nhằm triển khai các mục tiêu phát triển của đất nước, giữa bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức phức tạp, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn tạo ra cả khó khăn và cơ hội…
Để đối ngoại đi tiên phong ảnh 1

PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh về nhiệm vụ cụ thể của ngành đối ngoại trong thời gian tới.

Cạnh tranh nước lớn sẽ gay cấn hơn

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 (ĐH 13) đặt ra nhiều nhiệm vụ cho ngành đối ngoại thời gian tới. Những nhiệm vụ đó được nêu ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới như thế nào?

Ông Phạm Quang Vinh: ĐH 13 đánh giá, trong thời gian tới, môi trường cho an ninh và phát triển của đất nước vẫn đứng trước nhiều biến đổi. Xu thế chung hiện nay là các nước đề cao hoà bình, hợp tác, phát triển và ứng xử dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng những năm tới, tình hình khu vực và quốc tế còn diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng và sâu rộng, tạo ra cả cơ hội và thách thức. Môi trường đó có mấy đặc điểm như sau:

Cạnh tranh giữa các nước lớn vốn đã sâu sắc sẽ càng sâu sắc và gay cấn, gây ra nhiều thách thức cho các nước nhỏ hơn. Nhưng khi cạnh tranh với nhau, các nước lớn đều sẽ cần những nước nhỏ và vừa, sẽ coi trọng hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Cạnh tranh giữa các nước lớn cũng dẫn đến sự phân công lại, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới cho các nước nhỏ hơn.

Thế giới vẫn đứng trước những thách thức phức tạp về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Vẫn tồn tại những điểm nóng và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới và ở châu Á - Thái Bình Dương là vấn đề của bán đảo Triều Tiên, sông Mekong và Biển Đông. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục là thách thức lớn trong những năm tới. Những thách thức này vừa gây khó khăn cho sự phát triển của các nước, vừa đòi hỏi sự hợp tác, sử dụng các cơ chế khu vực và toàn cầu.

Sự phát triển của khoa học công nghệ và cách mạng số 4.0 tạo cho các nước nhiều cơ hội để phát triển nhanh hơn, cao hơn. Nhưng các nước nhỏ nếu không bắt kịp sẽ dễ tụt hậu xa hơn.

Trong môi trường diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với việc triển khai tích cực, đồng bộ thì cần chất lượng, hiệu quả và sáng tạo. Trong đối ngoại, sáng tạo là đánh giá tình hình thế giới, vận dụng để thực hiện phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Các nước cạnh tranh với nhau, ta ứng xử như thế nào, chơi được với cả hai bên, tranh thủ được cả hai, nhưng khi cần vẫn có tiếng nói.

Châu Á - Thái Bình Dương mang đầy đủ những đặc điểm đó. Chặng đường của Việt Nam trong thời gian tới để có được môi trường hoà bình cho phát triển sẽ gặp cả cơ hội lẫn khó khăn. Môi trường đó đặt ra bài toán cho đối ngoại Việt Nam phải xử lý để tranh thủ cơ hội và kiểm soát thách thức, tạo được môi trường tốt nhất cho đất nước.

Để đối ngoại đi tiên phong ảnh 2

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Những nhiệm vụ mới

ĐH 13 xác định những nhiệm vụ trọng tâm gì cho đối ngoại và có gì mới so với đại hội trước?

Văn kiện ĐH 13 nhắc lại chủ trương và nguyên tắc đối ngoại nhất quán, tổng kết chiều dài của đối ngoại của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới; đánh giá môi trường quốc tế và khu vực, thế và lực của Việt Nam, khát vọng của Việt Nam trong 10-20 năm tới và đặt ra cho đối ngoại nhiều nhiệm vụ mới.

Trọng tâm nhất quán về đối ngoại của Việt Nam mà Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ gồm: Thứ nhất, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển, phục vụ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ hai, trong khát vọng hướng tới năm 2030 và 2045, ngoại giao phải phục vụ nhiệm vụ trung tâm là phát triển đất nước, tranh thủ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kết hợp nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ phát triển trong nước. Thứ ba, đối ngoại phải thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ trương nhất quán lâu nay của Đảng và Nhà nước ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước, tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để thúc đẩy phát triển, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của Việt Nam. Càng trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và tập hợp lực lượng trên thế giới diễn ra phức tạp, vấn đề độc lập tự chủ và làm bạn với tất cả các nước và đa phương hoá, đa dạng hoá càng trở nên quan trọng, để Việt Nam vừa độc lập, vừa làm sâu sắc quan hệ với các nước, không phụ thuộc vào nước nào, không thiên về bên này hay bên kia và tiếp tục dựa trên luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi.

Văn kiện ĐH 13 nhắc lại chủ trương và nguyên tắc đối ngoại nhất quán, tổng kết chiều dài của đối ngoại của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới; đánh giá môi trường quốc tế và khu vực, thế và lực của Việt Nam, khát vọng của Việt Nam trong 10-20 năm tới và đặt ra cho đối ngoại nhiều nhiệm vụ mới.

Điểm mới của ĐH lần này cần nhìn ở 3 góc độ: Về hội nhập, văn kiện ĐH 13 nêu ra 2 từ rất quan trọng: Tiếp tục tích cực chủ động hội nhập quốc tế “toàn diện” và “sâu rộng”. “Toàn diện” nghĩa là trên tất cả các lĩnh vực mà lâu nay Việt Nam đã chủ trương tham gia, dù kinh tế là trọng tâm, nhưng cả chính trị, văn hoá, khoa học, an ninh, quốc phòng đều phải tăng cường hội nhập quốc tế. “Sâu rộng” nghĩa là trong nhiều vấn đề của thế giới và khu vực, Việt Nam lâu nay tích cực chủ động tham gia thì từ nay tham gia có trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn. Chỉ thị 25 về nâng tầm ngoại giao đa phương là một sự đúc kết rất lớn, xác định nhiệm vụ Việt Nam phải tham gia sâu rộng, tích cực nhưng đồng thời phải có trách nhiệm trong các diễn đàn và vấn đề quốc tế, để chúng ta đóng góp giải quyết những vấn đề đặt ra cho thế giới mà Việt Nam có lợi ích, đồng thời Việt Nam góp phần định hình luật chơi và các chuẩn mực ứng xử của quốc tế để bổ sung, hoàn thiện luật pháp quốc tế và cách ứng xử ở khu vực.

Như vậy, hội nhập trước đây được nhấn ở khía cạnh chủ động, tích cực, nay Đảng giao cho nhiệm vụ hội nhập toàn diện và sâu rộng. Tất nhiên, trong sự toàn diện và sâu rộng đó, chúng ta phải kết hợp lợi ích quốc gia và khả năng tham gia đóng góp để chọn lọc điểm nhấn, chứ không phải tham gia dàn trải.

Văn kiện xác định đối ngoại Việt Nam phải đóng vai trò tiên phong. Đó là nhiệm vụ cao nhất mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành đối ngoại, để góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển, phục vụ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoại giao phải đi tiên phong trong thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước, với khu vực và các tổ chức quốc tế. Khi đan xen lợi ích thì nhu cầu hợp tác giữa các nước cao hơn. Tham gia xây dựng các chuẩn mực ứng xử và đóng góp vào bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ tốt hơn cho Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế và thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, trong đó ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Đó là những điều ngoại giao có thể làm được để tạo ra môi trường hoà bình, ổn định.

Một điểm mới nữa là nhiệm vụ nâng tầm ngoại giao đa phương, trong đó Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào việc xử lý các vấn đề mà các nước có chung lợi ích như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và môi trường an ninh, đồng thời tham gia định hình luật chơi, chuẩn mực ứng xử. Để làm được điều này đòi hỏi lực lượng làm đối ngoại phải tự nâng tầm của mình vì cuộc chơi của thế giới không hề dễ dàng.

Chất lượng, hiệu quả, sáng tạo

Theo ông, sắp tới ngành đối ngoại của Việt Nam cần làm những gì?

Công tác đối ngoại trong thời gian tới sẽ phải xử lý những thách thức và tranh thủ cơ hội như đã phân tích ở trên.

Trọng tâm của ĐH 13 là hiện thực hoá khát vọng của Việt Nam từ nay đến 2030 và 2045. Đối ngoại cũng phải phục vụ khát vọng đó để làm sao đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước trung bình cao, cơ bản công nghiệp hoá, đến 2045 thành nước thu nhập cao. Những mục tiêu đó đòi hỏi nhiều yếu tố như môi trường ổn định cho phát triển, hội nhập lựa chọn chất lượng cao, kết hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài thông qua tăng cường quan hệ cả song phương và đa phương...

Nhiệm vụ ngoại giao tiên phong và hội nhập chủ động, tích cực, toàn diện và sâu rộng đòi hỏi sự kết hợp trong ngoài, sự phối hợp đồng bộ các kênh, các bộ, ngành, kết hợp cả phát triển trong nước và bên ngoài.

Để có thể đảm đương được nhiệm vụ mà ĐH 13 giao cho, chắc chắn ngành đối ngoại phải phối hợp đồng hợp đồng bộ và chặt chẽ 3 kênh: Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ngoài ra, cần sự phối hợp tốt của các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương.

Để có thể đảm đương được nhiệm vụ mà ĐH 13 giao cho, chắc chắn ngành đối ngoại phải phối hợp đồng hợp đồng bộ và chặt chẽ 3 kênh: Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ngoài ra, cần sự phối hợp tốt của các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương.

Những người trực tiếp trong ngành đối ngoại cần làm tốt công tác dự báo và tham mưu chiến lược. Tình hình quốc tế thay đổi, yêu cầu nhiệm vụ cũng thay đổi, nên phải nắm sát thực tiễn của tình hình thế giới, xác định đâu là cơ hội, đâu là thách thức, nơi nào có thể kết hợp được nguồn lực bên ngoài và bên trong để tham mưu cho Đảng và Nhà nước.

Trong môi trường diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với việc triển khai tích cực, đồng bộ thì cần chất lượng, hiệu quả và sáng tạo. Trong đối ngoại, sáng tạo là đánh giá tình hình thế giới, vận dụng để thực hiện phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Các nước cạnh tranh với nhau, ta ứng xử như thế nào, chơi được với cả hai bên, tranh thủ được cả hai, nhưng khi cần vẫn có tiếng nói.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG