Chúng tôi chuẩn bị chu đáo trước khi đến điểm trường làng Pyầu (thuộc trường tiểu học Lơ Pang) bởi đã nghe nhiều cảnh báo: đi qua cung đường này, ít nhất phải “vồ ếch” 3 lần không chỉ vì đường hiểm trở, mà còn nhiều ngã rẽ trơn trượt, không thuộc đường sẽ đi lạc vào rừng.
Cung đường dành cho “quái xế”
Xuất phát từ trường tiểu học Lơ Pang lúc 4h30 sáng, qua hai con suối thì đến một dốc núi cao, phải ngửa cổ lên mới nhìn hết con đường mòn hun hút dẫn lên đỉnh. Như một phản xạ, thầy giáo Lê Văn Hiệp (29 tuổi, Bình Định- giáo viên lớp 3) dựng xe máy, chạy về phía hai cô giáo Thái Thị Hòa (SN 1987, giáo viên mầm non, quê Nghệ An) và cô Nguyễn Thị Hân (37 tuổi, giáo viên hai lớp ghép 1-4), gồng mình giúp các cô lần lượt đẩy xe vượt núi.
Vượt dốc núi cực nhọc, nguy hiểm rình rập vì mặt đường bề ngang chỉ 1m, dễ trơn trượt, sơ ý sẽ lao xuống vực sâu. Các thầy cô cho biết, cách đây một năm đã có thầy giáo bị ngã chấn thương sọ não. Còn việc trầy xước chân tay thì ngày nào cũng có. Con đường này bất kể mùa nắng hay mưa đều sình lầy, trơn trượt do mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra. Thầy Hiệp đúc kết kinh nghiệm: “Đường đến Pyầu 3 đoạn dốc luôn có nước mạch ngầm từ núi chảy ra. Cách tốt nhất khắc phục ngã xe là đi xuống dốc không được đạp phanh gấp, sẽ bị trượt, mà gài số 1 để xe máy từ từ chạy. Phải bình tĩnh, không nhìn xuống vách núi. Trước kia, lần đầu mới đi mình ngã liên tục, giờ mỗi đợt đến Pyầu chỉ ngã đôi ba lần thôi”.
Sau hơn 2 giờ cực nhọc, chúng tôi vượt qua một con dốc, làng Pyầu hiện ra trước mắt. Ngôi làng nằm chơi vơi trên một dãy núi hình thang, được gọi là núi Pyầu. Thầy Nguyễn Văn Đắc- Hiệu trưởng trường tiểu học Lơ Pang cho biết: Điểm trường Pyầu có khoảng 100 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Giáo viên dạy ở đây có 4 người, được điều động từ trường mầm non Lơ Pang và điểm chính trường tiểu học Lơ Pang. Đồng cảm với những giáo viên phải lên làng Pyầu dạy chữ, sau mỗi năm học, trường lại cố gắng điều chuyển để các thầy cô khác luân phiên thay thế.
Tìm học sinh từ 4 giờ sáng
Bước vào điểm trường, các em học sinh lớp 5 đang bới tìm những quyển sách mới trong đống sách cũ. Học xong, các em không được mang sách về nhà do đường đi hiểm trở, mưa rừng thường đổ bất ngờ. Nhiều khi phụ huynh “bí” quá cũng xé để cuốn thuốc hút. Thầy cô giáo điểm trường Pyầu nhận xét, học lực của các em còn yếu, nhưng điểm chung là ham học. Rất hiếm khi có học sinh vắng mặt.
Cô giáo Thái Thị Hòa chia sẻ: đây là lần thứ 2 cô dạy ở Pyầu, lần đầu cách đây 4 năm. Thứ hai hàng tuần mọi người phải dậy sớm, mua đồ ăn dự trữ, ở đến chiều thứ sáu mới về. Nhiều khi hết gạo, phải vào làng nhờ người dân đùm bọc. Ở đây không có sóng điện thoại nên đành nén nỗi nhớ chồng và hai con nhỏ vào trong.
Giáo viên nào lên đây cũng được ví là “đa phương tiện”, từ dạy nhạc, mỹ thuật, đến làm đồ chơi cho các em mầm non. Nhưng điều cô Hòa lo nhất là việc đồng bào ở đây cho con trẻ lấy nhau từ năm 14 tuổi nên việc làm giấy khai sinh cho con rất khó. Cũng từ đó mà nhiều em không được hưởng các chế độ của nhà nước dành cho trẻ em nghèo dân tộc thiểu số. “Thương các em, tôi mang hồ sơ đi làm, nhưng đến nơi cán bộ xã không chấp nhận, yêu cầu phải chính bố mẹ các em đến. Nhưng cha mẹ các em đa số không biết chữ. Nơi nào cán bộ xã năng động đến tận nhà để làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho người dân buôn làng vùng khó thì các em may ra được nhờ”, cô Hòa nói.
Các thầy cô còn nhiều băn khoăn khác. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hân, ở vùng dân tộc thiểu số nào thì phải học tiếng vùng đó. Thứ nhất để tránh bất đồng ngôn ngữ, thứ hai là rất hiệu quả khi đến vận động phụ huynh cho con em đi học. Việc học này được thầy Chhơ (giáo viên lớp 3, điểm trường Pyầu), chính là người làng Pyầu đảm nhiệm. Cô Hân chia sẻ: “Cha mẹ thường mang con đi theo làm rẫy, giáo viên phải đi tìm để vận động từ 4 giờ sáng. Nhiều khi trời tối, lạc cả vào rừng”. Biết tiếng Ba Na, cô Hân thường nói phụ huynh “phải cho con đi học cái chữ, không để con cái thiếu hiểu biết như cha mẹ nữa”. “Học chữ để khôn hơn, người xấu vào làng lừa phỉnh là mình biết ngay. Học chữ sẽ trồng lúa ra nhiều hạt hơn, sau này nuôi bố mẹ”.