Cô giáo Mường gieo chữ vùng sâu

Cô giáo Đinh Thị Giang Tâm vẫn giữ “lửa nghề” suốt 15 năm qua.
Cô giáo Đinh Thị Giang Tâm vẫn giữ “lửa nghề” suốt 15 năm qua.
TP - Tình nguyện về vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Nông công tác, hiện mỗi ngày cô Tâm phải vượt hàng trăm cây số cả đi lẫn về để dạy học cho trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù cuộc sống quá nhọc nhằn, ngọn lửa nhiệt huyết chưa từng thôi cháy bỏng trong tim cô.

Trong những ngày hoa dã quỳ bung nở vàng rực, chúng tôi tìm về trường tiểu học Hùng Vương, nơi cô giáo Đinh Thị Giang Tâm mỗi ngày vượt chặng được cả đi lẫn về gần 120km từ xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, đến tận xã Cư Nia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông để dạy học cho trẻ em dân tộc Mông. Giữa bốn bề núi đá bao phủ, tiếng ê a đọc bài theo nhịp thước gõ của trẻ lọt qua các khung cửa lớp vang xa khuấy động sự tĩnh lặng của thôn làng vùng sâu.

Gian nan đường đến lớp

Ngồi trước thềm lớp dạy, cô giáo Tâm kể về cơ duyên gắn đời cô với nghiệp trồng người. Cô là con nhà thuần nông, người dân tộc Mường. Chứng kiến cuộc sống đói nghèo khiến nhiều em nhỏ chưa kịp biết mặt chữ đã phải theo cha mẹ lên rẫy kiếm sống, cô quyết tâm thi đỗ ngành sư phạm tiểu học với mong ước đem tri thức đến những nơi trẻ đang khát chữ.

Ngày tốt nghiệp, cô xung phong về xã vùng sâu thuộc huyện Đắk Glong, Đắk Nông công tác, sau đó chuyển về trường Trần Quốc Toản ở xã Cư Nia, huyện Cư Jut. Để cân bằng giữa ước mơ gieo chữ vùng sâu và làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ đã có hai con, cô Tâm chọn cách không ở lại gần trường mà hằng ngày chạy xe máy vượt hơn 100km để vừa được gặp học trò, vừa được gần gũi chồng con.

Những ngày lên lớp, cô Tâm thức dậy từ 3 giờ sáng soạn bài giảng, chuẩn bị cơm nước cho gia đình trong một ngày, sau đó rời nhà lúc ai nấy còn say giấc, và trở về khi phố xá đã lên đèn. Đi đường xa, chuyện mỏi mệt, hay ngủ gật giữa đường đã trở thành cơm bữa với cô giáo Tâm.

Chỉ cho chúng tôi thấy nhiều vết sẹo trên chân, cô bảo đó là chiến tích mỗi lần té ngã trên con đường gập ghềnh này. Dù đường đến trường còn nhiều gian nan vất vả, cô Tâm vẫn giữ “lửa nghề” suốt 15 năm  qua.

 Cô tâm sự: Ở đâu trẻ cũng cần thầy cô giáo. Nhưng trẻ ở vùng sâu, vùng xa chịu nhiều thiệt thòi cả điều kiện vật chất lẫn tinh thần nên càng đi xa, cô càng yêu thương trẻ nhiều hơn. Cô mong muốn khơi gợi trong các em khát vọng vươn lên, làm chủ đời mình.

Xa hơn nữa vẫn không sao

Để “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, cô Tâm luôn tìm tòi, áp dụng các phương pháp dạy hay, thu hút trẻ theo học, nhằm đẩy lùi tình trạng bỏ học giữa chừng. Cô rất tâm đắc với mô hình lớp học VNEN do Bộ Giáo dục –Đào tạo đưa ra và cho triển khai thí điểm ở nhiều trường tiểu học trên cả nước.

 Vì sao nhiều nơi cả học sinh và giáo viên đều phản đối VNEN, mà cô hào hứng đến vậy? Cô Tâm phân tích: Sở dĩ mọi người phản đối là vì họ chưa hiểu hết cái hay của mô hình. VNEN đề cao sự tự học của học sinh nhưng giáo viên phải luôn sát sao theo dõi, đồng thời đưa ra các tình huống gắn liền với thực tiễn cuộc sống của các em để kích thích trẻ mạnh dạn hơn, nhất là khi học sinh miền núi, người đồng bào thiểu số rất rụt rè trong giao tiếp. Việc không chấm điểm đã cởi bỏ vấn nạn coi trọng điểm số, chạy theo thành tích.  Ở đây vẫn xảy ra tình trạng bỏ học nên những lời khen của giáo viên phần nào giúp học sinh có động lực đến trường. Chính vì nhận ra những tác động tích cực của mô hình, cô giáo Tâm tiên phong dạy lớp thí điểm VNEN.

Đầu năm học 2016 – 2017, cô Tâm là một trong 4 giáo viên của trường tiểu học Trần Quốc Toản xung phong đi biệt phái về trường tiểu học Hùng Vương- nơi trong 382 học sinh đang có đến 345 em người Mông nói tiếng Kinh chưa sành, việc truyền đạt kiến thức của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Chọn điểm trường này, đồng nghĩa với việc chấp nhận quãng đường đi- về của cô sẽ xa thêm 20km. Cô tâm sự: Mình đã đi cả trăm cây số hơn mười mấy năm, giờ đi xa thêm chút nữa cũng không sao. Học sinh ở đây tuy học lực còn yếu nhưng rất chăm ngoan, chịu khó nghe giảng bài. Hy vọng sẽ góp một phần sức nhỏ của mình cùng các thầy cô trong trường nâng cao chất lượng dạy – học ở nơi đây.

Không chỉ dạy học bằng tất cả tình yêu nghề, cô Tâm còn chủ động kết nối các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân trên cả nước chung tay hỗ trợ quần áo, giày dép, sách vở… cho học sinh nghèo nơi mình công tác. Chứng kiến cảnh học sinh đầu không đội mũ, chân không dép đến trường với bộ quần áo cũ rách, chắp vá giữa mùa đông lạnh rét, cô về Đắk Lắk vận động người thân, hàng xóm chia sẻ. Nhìn lũ trẻ mừng vui, diện ngay bộ trang phục tuy không mới nhưng lành lặn ấm áp, cô có thêm động lực duy trì công việc thiện nguyện suốt 15 năm qua.

Thầy Nguyễn Việt Ánh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương nói: “Cô Tâm rất yêu nghề, yêu học sinh, luôn tìm tòi, áp dụng kiến thức mới vào giảng dạy. Tuy mới về trường phụ trách lớp 3 từ tháng 10/2016 nhưng nhờ biết áp dụng cái hay từ mô hình VNEN, cô đã giúp học sinh tiếp thu nhanh kiến thức và mạnh dạn hơn trong giao tiếp”. 

MỚI - NÓNG
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
Thời tiết Hà Nội sau đêm tâm bão đi qua
TPO - Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 ( tên quốc tế YAGI) tác động trực tiếp khi nằm trên trục di chuyển của cơn bão sau khi đổ bộ đất liền. Trong 24 giờ qua Hà Nội có mưa dông và gió giật dữ dội, dự báo trong ngày 8 - 9/9 khu vực vẫn nằm trong ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão.