Đầu tư vào 'vốn' tự nhiên để phát triển kinh tế xanh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon, đầu tư vào "vốn" tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển.

Ngày 5/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo vệ di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020” và Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024.

Thúc đẩy kinh tế ít phát thải carbon

Theo TS. Trần Ngọc Cường - Nguyên Trưởng phòng Sinh thái, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT), phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển.

Các mô hình này tập trung vào việc đầu tư sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và chất thải, thân thiện với môi trường; đầu tư vào vốn tự nhiên.

Theo ông Cường, ở nước ta, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này.

"Vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Cũng giống như các dạng vốn khác (vốn vật chất, vốn tài chính và vốn con người), vốn tự nhiên cũng có thể bị suy giảm và suy thoái do quá trình sản xuất và tiêu dùng”, ông Cường phân tích.

Đầu tư vào 'vốn' tự nhiên để phát triển kinh tế xanh ảnh 1

TS. Trần Ngọc Cường - Nguyên Trưởng phòng Sinh thái, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trao đổi tại chương trình.

Theo TS. Cường, với mô hình tăng trưởng trước đây, chúng ta mới chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính và con người, mà thiếu đi sự quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên, tạo ra những rủi ro và thách thức lớn cho thế hệ tương lai.

Để giải quyết các vấn đề này, Luật BVMT 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT. Trong đó, Luật đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Luật cũng bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho BVMT.

Ngoài ra, việc thúc đẩy kinh tế ít phát thải carbon đã dần được cụ thể hoá qua chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon như công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

TS. Phạm Thị Trầm - Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng khẳng định, nguồn vốn tự nhiên này đang bị suy giảm do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có những hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên, nhằm đáp ứng các yếu tố pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Đầu tư vào 'vốn' tự nhiên để phát triển kinh tế xanh ảnh 2Đầu tư vào 'vốn' tự nhiên để phát triển kinh tế xanh ảnh 3
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo vệ di sản thiên nhiên theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020".

“Siết” quản lý dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường

Phân tích thêm về một trong những điểm nổi bật của Luật BVMT năm 2020 giúp phát huy vốn tự nhiên, TS. Trần Ngọc Cường cho hay, đó là việc thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường. Trong đó, cần xác lập lại đúng vai trò hoạt động quan trắc chất thải của doanh nghiệp.

“Luật quy định các đối tượng xả nước thải, bụi, khí thải lớn ra môi trường phải quan trắc định kỳ; đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục bao gồm các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải trung bình trở lên và cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải lớn, các khu, cụm công nghiệp. Đối tượng, thông số, tần suất quan trắc cụ thể sẽ do Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện phát triển khoa học, công nghệ và yêu cầu BVMT trong từng thời kỳ”, TS. Cường nêu.

Cũng theo vị chuyên gia này, để tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, cần tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm thành công của quốc tế về kiểm toán môi trường nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và BVMT.

“Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn”, TS. Trần Ngọc Cường nói.

Nhân sự kiện Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, TS Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội mong rằng, mỗi người bằng những hành động cụ thể, thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh trái đất. Từ những tham luận sâu sắc của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực tại Hội thảo đã góp phần quan trọng trong cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn giữa khai thác, sử dụng bền vững di sản thiên nhiên gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường - một trong những nội dung đang được quan tâm hiện nay.

MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.