Đau bụng kiểu này có thể bị ung thư ruột thừa, đi khám ngay kẻo 'ân hận mấy cũng muộn'

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Ung thư ruột thừa là một bệnh hiếm gặp, xảy ra khi các tế bào trong mô của ruột thừa thay đổi bất thường. Các tế bào này phát triển ngoài tầm kiểm soát và có thể hình thành khối u. Đối với khối u ác tính, nó được coi là ung thư.

Thấy đau bụng vùng mạn sườn phải, hố chậu phải, đau từng cơn kéo dài 2 tuần nay không rõ nguyên nhân, bệnh nhân P, 59 tuổi ở Hà Nội đã vào viện khám. Theo chia sẻ của bệnh nhân, ông từng có tiền sử viêm túi thừa đại tràng đã được điều trị ổn định trước đó.

Với hình ảnh siêu âm thấy khối ở vị trí ruột thừa và lâm sàng đau bụng không điển hình của viêm túi thừa manh tràng, bệnh nhân tiếp tục được chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Trên phim chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh khối ở vị trí ruột thừa, dày thành manh tràng kèm nhiều hạch, thâm nhiễm lan toả phúc mạc lân cận, dịch tử do ổ bụng. Sau đó, bệnh nhân được nội soi đại tràng cho kết quả khối vị trí gốc ruột thừa, đẩy từ ngoài vào lòng manh tràng, theo dõi u ruột thừa.

Với dấu hiệu lâm sàng, hình ảnh siêu âm, cắt lớp vi tính, nội soi đại tràng như trên, các bác sĩ chẩn đoán khối u ruột thừa. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển bệnh viện Việt Đức phẫu thuật điều trị theo nhu cầu với chẩn đoán xác định ung thư biểu mô tuyến chế nhầy ruột thừa di căn phúc mạc. Hiện bệnh nhân sau phẫu thuật u nhầy ruột thừa đã ổn định.

Ung thư ruột thừa gồm 5 loại

Ung thư biểu mô tuyến đại tràng: Ước tính chiếm khoảng 10% trong số các bệnh nhân bị ung thư ruột thừa. Phần lớn khối u tuyến đều bắt đầu từ lớp niêm mạc của đại tràng có trước đó. Nó thường xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 62 đến 65, và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.

Ung thư tuyến nhầy của ruột thừa: Là một bệnh hiếm gặp, được hình thành do sự tích tụ của chất nhầy bên trong lòng ống ruột thừa và có sự tắc nghẽn ở gốc ruột thừa. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ và nam như nhau và thường xảy ra trong độ tuổi khoảng 60.

Ung thư tế bào Goblet: Là tế bào ung thư hình trụ phát triển trong biểu mô của đường hô hấp và tiêu hóa.

Ung thư thần kinh nội tiết: Ước tính chiếm 50% trong số các bệnh nhân bị ung thư ruột thừa. Những khối u này phát triển chậm thường xuất hiện ở thành ruột. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến ruột non hoặc trực tràng.

Ung thư tế bào Signet: Đây là một dạng hiếm gặp và có nhiều khả năng di căn các cơ quan khác như dạ dày và đại tràng.

Dấu hiệu ung thư ruột thừa

Hầu hết các trường hợp đều không có dấu hiệu gì khi ở giai đoạn sớm. Một số trường hợp do ảnh hưởng của khối u mà gây ra các triệu chứng không đặc hiệu như:

Đau bụng, đau theo từng cơn, có thể cảm thấy đau tại vùng hố chậu bên phải.

Chướng bụng, chán ăn, cảm thấy nhanh no sau khi ăn một lượng nhỏ thức ăn.

Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn hoặc nôn, táo bón hoặc tiêu chảy

Có thể biểu hiện bởi tình trạng thoát vị bẹn những phổ biến hơn ở nam giới. Các biểu hiện có thể thấy bao gồm: Thấy khối bất thường vùng bẹn, thường không đau chỉ tức nhẹ, có thể di động lên trên khi nghỉ ngơi...

Biểu hiện một tình trạng viêm ruột thừa, do khối u làm cản trở sự lưu thông dịch dẫn đến vi khuẩn đường ruột bị mắc kẹt và phát triển quá mức bên trong ruột thừa nên gây viêm ruột thừa. Nhiều trường hợp ung thư ruột thừa có triệu chứng đầu tiên của viêm ruột thừa cấp.

Các biểu hiện như

Đau bụng: Đầu tiên đau vùng quanh rốn sau đó khu trú tại hố chậu phải, đau thành từng cơn.

Buồn nôn và nôn.

Bí trung tiện và đại tiện, bụng chướng, khó chịu.

Sốt: Có thể sốt nhẹ, nếu đã vỡ gây sốt cao.

Co cứng thành bụng, ấn điểm hố chậu phải đau.

Đôi khi khối u to dẫn tới chèn ép và gây tắc ruột hay sờ thấy khối bất thường.

Các dấu hiệu khác: Do tế bào ung thư có thể phát triển tại các cơ quan vùng bụng khác và niêm mạc khoang bụng. Như gan, lách, buồng trứng, tử cung... Gây ra các biểu hiện tại cơ quan đó.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ruột thừa

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột thừa như:

Thiếu máu do thiếu vitamin B12

Viêm dạ dày hay viêm niêm mạc dạ dày

Hội chứng Zollinger-Ellison, một tình trạng ở đường tiêu hóa

Di truyền (một số rối loạn bẩm sinh làm tăng tỷ lệ mắc bệnh này)

Hút thuốc và uống rượu

Những biện pháp giúp phòng ngừa ung thư ruột thừa

Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh ung thư nếu duy trì những thói quen sinh hoạt sau:

Tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ

Duy trì chế độ dinh dưỡng nhiều chất xơ

Kiểm soát cân nặng

Vận động và tập thể dục thường xuyên

Bỏ hút thuốc

Hạn chế đồ uống có cồn

Hạn chế ăn thịt đỏ và thức ăn đóng hộp

MỚI - NÓNG