1. Tuyến đường "Thắp sáng đường quê" và "Sáng - xanh - sạch đường quê nông thôn mới"
Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã hoàn thành 95 công trình thắp sáng đường quê, lắp đặt hệ thống bóng đèn chiếu sáng cho 28 tuyến đường với tổng trị giá 16 tỷ đồng. Ánh điện từ những công trình góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Nhiều công trình thắp sáng đường quê được khánh thành. Ảnh: TĐTQ. |
Quá trình triển khai nhận được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo ĐVTN và Nhân dân. Qua đó phát huy mạnh mẽ sức trẻ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của tuổi trẻ tỉnh Tuyên Quang.
2. Công trình "Cầu giao thông nông thôn"
Công trình được xây dựng tại những địa điểm có địa hình hiểm trở, sông suối nằm trên tuyến đường đi lại hàng ngày của người dân. Trong nhiệm kỳ, Ban thường vụ Tỉnh Đoàn Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị đồng hành triển khai xây dựng 12 cầu giao thông nông thôn với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng, trong đó kinh phí do tổ chức Đoàn vận động là 2,5 tỷ đồng.
Nhiều cây cầu dân sinh mang dấu ấn áo xanh thanh niên được khánh thành. Ảnh: TĐTQ. |
Tiêu biểu, cầu dân sinh qua suối tại thôn Nặm Đường, xã Sinh Long, huyện Na Hang giá trị 850 triệu đồng (trong đó tổ chức Đoàn vận động trên 500 triệu đồng). Cầu dân sinh qua suối tại thôn Nà Chẻ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang với tổng trị giá trên 700 triệu đồng (trong đó tổ chức Đoàn vận động được trên 400 triệu đồng).
Công trình đã góp phần phục vụ nhu cầu đi lại, kết nối giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện sống cho các gia đình, đảm bảo điều kiện tới trường cho các em nhỏ, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
3. Làm đường bê tông nông thôn
Các cấp bộ Đoàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường bê tông nông thôn; chủ động kết nối các nguồn lực hỗ trợ kinh phí từ các tổ chức, đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ ngày công, vận chuyển xi măng, cát, trộn bê tông thực hiện xây dựng tuyến đường bê tông.
Đoàn viên thanh niên tham gia phong trào "3 cùng" với người dân bằng việc đóng góp ngày công xây dựng tuyến đường bê tông nông thôn. Ảnh: TĐTQ. |
Các công trình đường bê tông nông thôn phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, thể hiện hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền tỉnh giao cho tổ chức đoàn trong xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tinh thần xung kích, tình nguyện, tính tiên phong của tuổi trẻ tỉnh nhà trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
4. Các công trình Ngôi nhà xanh, ngôi nhà kế hoạch nhỏ
Từ năm 2020 đến nay, Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh triển khai đến các Liên đội Tiểu học, THCS xây dựng ngôi nhà “Kế hoạch nhỏ”, các Đoàn trường xây dựng “Ngôi nhà xanh”. Qua đó, 283/283 Liên đội xây dựng ngôi nhà “Kế hoạch nhỏ”; 31/31 Đoàn trường xây dựng “Ngôi nhà xanh”.
283/283 Liên đội xây dựng ngôi nhà “Kế hoạch nhỏ”; 31/31 Đoàn trường xây dựng “Ngôi nhà xanh”. Ảnh: TĐTQ |
Đội viên, thiếu nhi, đoàn viên đã thu gom vỏ lon, chai nhựa, giấy báo không sử dụng của gia đình gom đến trường cho vào mỗi ngăn của ngôi nhà kế hoạch nhỏ, ngôi nhà xanh được đặt trong khuôn viên trường. Các công trình có trị giá hơn 700 triệu đồng; đặc biệt có ý nghĩa thiết thực trong thực hiện phong trào tuổi trẻ học đường chung tay phòng, chống rác thải nhựa.
5. Công trình Ngôi nhà 26/3, Ngôi nhà 15/5, Ngôi nhà khăn quàng đỏ, Ngôi nhà tình bạn
Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội đã triển khai quyên góp, ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình nhà ở giúp đỡ các hộ thanh niên, học sinh là gia đình chính sách, khó khăn.
Công trình nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong tham gia đảm nhận, thực hiện những việc mới, việc khó, việc phát sinh tại cơ sở góp phần xây dựng nông thôn mới.
Qua rà soát, tổng hợp, đánh giá về thực trạng nhà ở toàn tỉnh có 3.820 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát (trong đó, tổng số hộ Đoàn viên thanh niên nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát là 139 hộ). Ảnh: TĐTQ. |
6. Công trình Vì đàn em thân yêu
Trong nhiệm kỳ, tổ chức Đoàn, Đội tỉnh Tuyên Quang đã rà soát các điểm trường, phòng lớp học, không gian đọc sách, bếp ăn, nhà vệ sinh cho em tại các đơn vị khó khăn trên địa bàn tỉnh; tiến hành xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng việc học tập, sinh hoạt của đội viên, thiếu nhi. Tổng trị giá các công trình vì đàn em thân yêu hơn 4 tỷ đồng.
Công trình Vì đàn em thân yêu được triển khai tới100% đội viên, thiếu nhi tại các liên đội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: TĐTQ. |
Các công trình hoàn thành đã góp phần hỗ trợ, tiếp sức cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực vươn lên trong học tập, rèn luyện; tạo môi trường học tập, rèn luyện cho các em thiếu nhi.
7. Xây dựng điểm vui chơi cho thiếu nhi
Toàn tỉnh xây dựng được 312 điểm vui chơi cho thiếu nhi trị giá trên 2 tỷ đồng. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đoàn, Đội các cấp đối với công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng; đồng thời, đảm bảo cho thanh thiếu nhi có không gian sinh hoạt, vui chơi, giúp các em phát triển toàn diện đức, trí, thể mỹ.
8. Mô hình “Giáo dục truyền thống, cách mạng thông qua các hoạt động tại địa chỉ đỏ, di tích lịch sử”
Mô hình Giáo dục truyền thống, cách mạng thông qua các hoạt động tại địa chỉ đỏ, di tích lịch sử” được triển khai đến các cấp bộ Đoàn, Đội trên toàn tỉnh. Mô hình bao gồm việc tổ chức sinh hoạt Đoàn, Đội; kết nạp đoàn viên, đội viên mới tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử.
Sau nhiều năm triển khai, toàn Đoàn đã tổ chức hơn 5,2 nghìn hành trình về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ, tổ chức sinh hoạt Đoàn, Đội, kết nạp đoàn viên, đội viên mới tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử các đợt sinh hoạt chính trị thu hút trên 100.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia.
Mô hinh nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống quê hương cách mạng"Thủ đô khu giải phóng”, "Thủ đô kháng chiến". Ảnh: TĐTQ |
Mô hình đã giúp ĐVTN có dịp tham quan, tìm hiểu về truyền thống lịch sử; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng ý thức, lòng tự hào dân tộc cho ĐVTN. Đồng thời, nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh thiếu nhi, lòng tự hào khi được đứng trong tổ chức đoàn, đội, ngày được đứng vào hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trở thành một thời khắc đáng nhớ.
9. Mô hình “Thanh niên tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
Các cấp bộ Đoàn, Đội đã thành lập và duy trì hoạt động 98 Câu lạc bộ thanh niên tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, có các CLB hát dân ca, đàn Tính, hát Then, hát Páo Dung, hát Sình ca, câu lạc bộ nói tiếng dân tộc... Các câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tham gia biểu diễn tại các lễ hội, địa điểm văn hóa, du lịch nhằm quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc với du khách tham quan.
Mô hình được triển khai ở các cấp bộ Đoàn, Đội trên toàn tỉnh. Ảnh: TĐTQ |
Không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ những nét văn hóa phi vật thể, mà các cơ sở đoàn còn bước đầu tham gia phục dựng những di sản văn hóa vật thể. Tiêu biểu, Đoàn xã Xuân Lập đã vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào vệc phục dựng xây dựng nhà trình tường cho đồng bào dân tộc Mông, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm đến thu hút khách du lịch, góp phần gây quỹ cho hoạt động đoàn.
10. Mô hình Bí thư chi Đoàn "4 tốt"
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo triển khai mô hình “Bí thư chi Đoàn 4 tốt” tại Huyện Đoàn Chiêm Hoá. Bí thư chi Đoàn "4 tốt" bào gồm Đạo đức tốt; Kỹ năng nghiệp vụ tốt; Thể lực tốt; Làm kinh tế tốt. Từ khi triển khai thực hiện, đã có 150 Bí thư Chi đoàn được công nhận “4 tốt”.
Bí thư chi Đoàn "4 tốt" bào gồm Đạo đức tốt; Kỹ năng nghiệp vụ tốt; Thể lực tốt; Làm kinh tế tốt. Ảnh: TĐTQ. |
Việc thực hiện các nội dung, giải pháp của mô hình sẽ tạo môi trường cho Bí thư chi Đoàn trên địa bàn dân cư rèn luyện, phấn đấu toàn diện trên các mặt: phẩm chất đạo đức, tác phong; kỹ năng nghiệp vụ; thể lực; phát huy vai trò, khả năng phát triển kinh tế của bản thân, gia đình và xã hội; tạo dựng, đóng góp những giá trị, lợi ích thiết thực của bản thân cho cộng đồng.
Mô hình còn nhằm phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các tấm gương Bí thư chi Đoàn trên địa bàn dân cư tiêu biểu, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, công tác Đoàn trên địa bàn dân cư.