Bia ngoại nhập về giá khoảng 7- 8 ngàn đồng, thị trường bán gấp ba lần, nhưng dân ta vẫn uống tì tì nhất nhì châu Á. Đến mức ông giám đốc thương hiệu bia lớn của thế giới phải ngỡ ngàng sao mà họ ngốn bia mình ghê thế, và xem xét lại chiến lược, chuyển trọng tâm tiêu thụ bia từ nước khác đổ sang VN.
Đường bé, đi 10km mất cả tiếng, nhưng cứ thi nhau cưỡi dăm bảy nghìn con trâu đi uống cà phê cách nhà vài cây số cho bõ đời những năm đói khổ! Mấy anh tây du lịch tưởng ở đây giống nhà mình cầm vài ngàn đô đi mua xe cũ (để đi xuyên Việt xong thì bán lại trước khi về nước) bị mắng té tát đến mức tẽn tò. Vừa qua, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai bày tỏ ý định đưa 3 vạn tấn đường từ Lào về VN tinh luyện rồi xuất khẩu. Đường ngon bổ như đường nội, giá rẻ hơn.
Phép thử của bầu Đức khiến một số cá nhân và hiệp hội kêu ầm ầm, nào sẽ phá giá, nào sẽ bóp chết doanh nghiệp mía đường trong nước... Trong khi, mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả thêm hơn 4.000 tỷ đồng cho khoản chênh lệch giá đường. Mặt khác, nhà máy nội lẽ ra nên tập đối phó với cạnh tranh khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ vào năm 2015.
Mà câu chuyện cá da trơn VN trước Luật Nông trại 2014 của Mỹ là một ví dụ khi luật này được coi như cơ hội sàng lọc độ tử tế trong làm ăn và trong chất lượng cá da trơn VN. Nghĩa là, dù sao chúng ta cũng buộc phải nương theo hàng rào kỹ thuật của nước phát triển mà làm ăn cho đàng hoàng.
So với các món hàng trên, Asiad 2019 không phải mua, mà là cuộc đua hẳn hoi. Và Việt Nam thành chủ nhà. Tuy dự kiến chỉ đầu tư 150 triệu USD - thuộc loại siêu rẻ so với các nước đăng cai sự kiện này đã đầu tư, đây cũng là món “chát”.
Bỏ qua những hàng họ ngược đời trên, dân tình đang trông đợi vào một thứ “đắt mấy cũng sẽ được mua”, là bản quyền truyền hình bóng đá World Cup 2014. Cái giá 10 triệu USD được đơn vị nắm bản quyền đưa ra khiến các đài truyền hình im lặng. Mua thì cũng xót thật. Mà không mua thì tháng 6 tới sẽ bắt đầu một mùa hè lạnh lẽo.
Xem ra, dân ta đang phải quen dần với một văn hóa xài đồ đắt đỏ?