Sau bộ phim tài liệu cháy vé “Lửa Thiện Nhân” năm ngoái, cái tên Đặng Hồng Giang trở nên “phủ sóng”. Nhưng vẻ ngoài của anh không vì thế cần trau chuốt hơn. Trong buổi giới thiệu chùm phim “Đáng sống” anh ăn mặc giản dị, như một viên chức nhỏ. Đạo diễn cảm ơn mọi người đã đến xem phim. Bởi cứ đến xem đã là quí rồi. Nói gì thì nói, phim tài liệu hiện thực mà khiến người ta kéo đến xem như xem phim bom tấn chẳng phải câu chuyện dễ dàng ở xứ ta.
Đặng Hồng Giang từng mang “Lửa Thiện Nhân”, phim chiếu rạp, chiếu giữa sân trường, để phục vụ ngàn học sinh, giáo viên của một trường trung học ở Hải Phòng, chỉ vì hiệu trưởng ngôi trường có lời: “Tất cả các em học sinh đều mong được xem Lửa Thiện Nhân”. “Nịnh” thế sao Đặng Hồng Giang không liêu xiêu? Sân trường yên lặng, những cặp mắt của học sinh, giáo viên trong trường hướng về màn ảnh, chăm chú theo dõi Thiện Nhân, đó là phần thưởng lớn với người làm nghề. Kết thúc phim, trong phần giao lưu, những mái đầu xanh hỏi vị đạo diễn đang cồn cào nhiệt huyết: “Bác ơi, cho chúng con hỏi, bác làm phim này tốn bao nhiêu tiền?”. Cũng như ngày ra mắt “Đáng sống”, một phóng viên đã hỏi Đặng Hồng Giang: “Anh cho biết kinh phí làm “Đáng sống”?”. Không tự ái khi người ta đụng đến chuyện tiền nong nhưng anh cũng không bao giờ “khoe” phim tốn bao nhiêu tỉ đồng, để khán giả lo nhà làm phim có dáng vẻ gầy gò có nguy cơ thua lỗ mà nhiệt tình mua vé ủng hộ. Khi làm “Lửa Thiện Nhân” có người đã “tố”, anh phải cầm cố nhà để có tiền nhưng Đặng Hồng Giang gạt đi: Không muốn nhắc chuyện đó. Thậm chí anh còn nói vui biết đâu một ngày, rơi vào cảnh như ông đạo diễn Hàn Quốc nọ, doanh thu phòng vé lớn quá, giàu đến sầm sập, lúc ấy khéo anh chẳng làm nổi phim.
Bấy lâu nay, phim tài liệu ở ta vẫn sống một đời sống èo uột, giấc mơ đưa phim tài liệu ra rạp có thể bị coi là giấc mơ không có thật. Thỉnh thoảng mới có một “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” hay “Lửa Thiện Nhân” khiến phòng vé lên cơn sốt. Gieo trồng trên mảnh đất khó khăn nhiều bề nhưng Đặng Hồng Giang chưa bao giờ mất niềm tin. Ai cũng hỏi anh về quá trình thương thuyết để đưa phim tài liệu ra. Hẳn nhiên đó là một quá trình gian nan. Đặng Hồng Giang cũng chẳng có bí quyết gì để khiến các chủ rạp mở cửa với mình. Thứ “vũ khí” duy nhất chính là “đứa con tinh thần” anh đang có trong tay. Mỗi khi gặp cái lắc đầu từ đối tác thay vì oán thán, anh chỉ nghĩ: “Người ta từ chối mình vì mình làm phim chưa đủ hay”. Chính sự nhìn nhận thất bại từ phía bản thân một cách nghiêm túc, đã giúp anh gặt hái thành công không ngờ. Trong thời buổi nhà nhà làm phim, một bộ phim được quảng cáo rầm rộ với những ngôi sao hàng đầu, khuyến mãi cảnh nóng, bạo lực cũng không dễ gì cháy vé. Thế mà đạo diễn phim tài liệu lại làm được. Chùm phim “Đáng sống” (mới ra mắt) nhanh chóng được đồng ý chiếu trên hệ thống rạp BHD. Đặng Hồng Giang không che giấu cảm xúc: “Tôi mừng lắm”.
“Để tôi phục vụ khán giả của tôi trước đã”
Đặng Hồng Giang từng kể về những khó khăn khi làm “Lửa Thiện Nhân”. Làm phim tài liệu say mê có khi còn nhọc nhằn hơn phim bom tấn. Anh từng chia sẻ với báo chí, để làm phim về “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân, anh đã mất 3 năm ròng ở bên cạnh gia đình: “Để làm phim hiện thực, người đạo diễn phải sống cùng, ăn cùng nhân vật”.
“Phải sống” của Trương Nghệ Mưu quá hay nhưng xem “Phải sống” chỉ muốn chết, còn xem “Đáng sống” của tôi những kẻ đang muốn chết lại giật mình… không muốn chết nữa”.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang
Chùm phim đặc biệt “Đáng sống” gồm ba bộ phim: Mầm sống; Đáng sống; Một con đường. Ba bộ phim là ba số phận của ba con người ở những vị trí xã hội khác nhau, những miền đất khác nhau. Họ có chung một điểm: Đang ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo của cuộc sống nhưng đều tìm cách vượt lên số phận. Một giảng viên đại học, chồng qua đời vì tai nạn giao thông, đã tìm cách giữ lại cho mình những “mầm sống”… Một người đàn ông mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo đã lãng quên bệnh tật bằng tình yêu với rừng, anh đang sở hữu bộ sưu tập ảnh chim quí giá nhất Việt Nam. Một người cha với công việc nhọc nhằn, thu gom phế liệu từ tàn tích chiến tranh, nuôi con ăn học thành người… Để lấy được nước mắt của khán giả qua mỗi câu chuyện đời, đoàn làm phim đã phải lăn lộn cùng nhân vật.
Với phim “Một con đường” Đặng Hồng Giang mua bảo hiểm cho cả đoàn làm phim 11 người. Anh cũng nói rõ cho các thành viên trong đoàn biết mức độ nguy hiểm khi làm phim về những kẻ đùa với mìn. Nhưng may thay, không một ai từ chối xông pha: “Tôi không biết cái gì sẽ ập đến cả. Song tôi nghĩ: Mình thích thì mình làm thôi. Đó là câu chuyện hữu ích với khán giả, với xã hội. Nếu trong quá trình làm phim, bùm một cái, tai họa xảy ra, ai bảo tôi dại, tôi cũng đành chịu. Về sau tôi nghĩ thế này, người ta làm ở đó quanh năm suốt tháng, người ta không chết mà mình chết là tại số. Thế là tôi hết sợ”. Đặng Hồng Giang bật mí một tin vui: Phim “Một con đường”, nằm trong chùm phim “Đáng sống” đã được một đối tác ở Úc mua để chiếu. Trước đó, họ cũng đã hào hứng với phim của Đặng Hồng Giang, anh rất cảm động song vẫn nói: “Để tôi phục vụ khán giả của tôi trước đã”.
Trương Nghệ Mưu phải nghĩ lại
Có một nhà báo chia sẻ cảm xúc của chị khi xem phim của Đặng Hồng Giang: “Tôi thấy xem phim anh Giang quá mệt, nhân vật ám ảnh”. Chị nói có lí của chị nhưng cha đẻ của những bộ tài liệu đang nóng nói vui: “Ông Trương Nghệ Mưu mà xem “Đáng sống” của tôi thì ông ấy phải chỉnh lại về nội dung tư tưởng. “Phải sống” quá hay nhưng xem “Phải sống” chỉ muốn chết, còn xem “Đáng sống” của tôi những kẻ đang muốn chết lại giật mình… không muốn chết nữa”. Thông điệp từ chùm phim “Đáng sống”: “Mỗi câu chuyện là một lối thoát”.
Con người ta thường hay lăn tăn về sự thiệt- hơn trong đời. Đặng Hồng Giang kể câu chuyện về Bùi Giáng vào một mùa mưa xa xăm. Khi đó bệnh Bùi Giáng đã nặng, thi sĩ đi dưới mưa, anh nhìn thấy ông, bèn kiếm áo mưa đưa cho thi sĩ. Nhưng Bùi Giáng cười: “Bây nhìn mà không thấy mưa rực rỡ như kia?”. Mặc nhiều người trên đường thấy tội cho Bùi Giáng, Đặng Hồng Giang chợt thèm được như ông, thèm đi dưới mưa không thấy khổ, thèm thấy mưa là sự rực rỡ của ánh sáng diệu kỳ.
“Bao giờ phim tài liệu ở ta sẽ như mưa rực rỡ?”, tôi hỏi Đặng Hồng Giang. Anh tâm sự: “Phim là sản phẩm, đã là sản phẩm thì đương nhiên có mua, có bán. Khi đã tham gia mua bán thì bất kể sản phẩm nào cũng có phân khúc. Ước mong của tôi là lôi kéo được bạn trẻ. Nhưng không thể một sớm một chiều có thể thay đổi được tư duy của khán giả, nhất là một tư duy đã bào mòn về dòng phim tài liệu. Trước khi “Lửa Thiện Nhân” ra mắt, tôi không dám nói. Nhưng thành công của bộ phim đã giúp tôi tự tin hơn. Mình cứ làm phim thật hay đi đã, rồi mọi chuyện sẽ tới”.
Có lẽ sau này người ta sẽ đặt cho Đặng Hồng Giang một biệt danh nào đó, bởi vì anh quá tài trong “điểm huyệt” xúc động của khán giả. Anh không ưa hào nhoáng mà thích lần vào ngõ tối để kể lại những câu chuyện tử tế: “Tôi tiếp xúc với người tốt, làm bộ phim ý nghĩa thì tốt cho tôi trước hết”. Anh mong muốn được “mang câu chuyện của mình thuyết phục mọi người sống bao dung”: “Tôi ghét đố kị mà cái đó dễ bùng phát. Sống để bao dung được cho nhau thì quá tuyệt vời. Đố kị tối tăm lắm”.
Đặng Hồng Giang không nhận mình là nghệ sỹ, anh luôn nhận: “Tôi đã và đang làm báo”. Ngày trước khi còn làm báo viết, anh kể chuyện bằng ngòi bút thì bây giờ anh kể chuyện bằng hình ảnh. Sau khi làm xong chùm phim “Đáng sống” anh tổng kết: “Cuộc đời làm báo, làm phim đã và đang cho tôi được hơn nhiều lắm. Hơn nhất là từ mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện đã cho tôi học được một vài nhẽ hay, dở cho cuộc đời. Họ, cũng như tôi, như hết thảy, khát khao sống. Chỉ là, họ đã sống thật “đáng sống”.
Phim gập ghềnh, đời phẳng lặng
Hỏi Đặng Hồng Giang đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh đáng buồn như những nhân vật của anh chưa? Anh thú nhận: “Tôi có một cuộc đời bằng phẳng”. Hiện nay, gia đình nhỏ gồm vợ, con của anh đang ở nước ngoài. Anh “khai” quê ở Hà Nam: “Năm ngoái phim Lửa Thiện Nhân được đón nhận tốt, tôi tranh thủ chạy về quê. Mọi người nghe tin tôi về đã làm gà, làm vịt. Có một ông anh bảo: “Ở cái họ nhà này, không ai như thằng này”. Cả nhà anh không một ai theo báo chí hay nghệ thuật nhưng luôn ủng hộ sự say mê của anh. Chùm phim của anh ra mắt ngoài sự hiện diện của truyền thông, bè bạn, còn có những người thân của anh ở quê.
Có nhiều khán giả thắc mắc: Làm thế nào Đặng Hồng Giang thuyết phục được các nhân vật chịu mang cuộc đời mình vào phim? Nhân vật của Đặng Hồng Giang gồm nhiều thành phần, có tri thức, có người lao động tay chân, có người lớn tuổi, có cả trẻ con… Như người phụ nữ quyết tâm gieo “mầm sống” sau khi chồng gặp tai nạn giao thông qua đời, đang là giảng viên của một trường đại học, vốn chẳng mặn mà với việc lên báo, lên phim, cuối cùng đã đồng ý để Đặng Hồng Giang kể lại hành trình “vượt cạn” kỳ diệu của mình, chỉ bởi một câu nói: “Anh thấy câu chuyện của em hữu ích cho nhiều người”. Cứ bằng chiêu thức đánh động phần thiện trong mỗi con người, Đặng Hồng Giang đã nhẹ nhàng lôi kéo được cả nhân vật lẫn người xem cùng đánh thức dòng phim đang mơ ngủ.