Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Khán giả khen hay chê tôi đều vui!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ra mắt vào đầu tháng 12, “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được giới chuyên môn đánh giá là một trong những bộ phim điện ảnh đáng xem nhất của năm. Nó cũng là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt được ra mắt toàn cầu, tranh giải ở hạng mục chính của Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Tokyo (LHP châu Á lớn nhất hiện nay) và sau đó đoạt giải Khinh khí cầu vàng cho phim hay nhất tại LHP quốc tế 3 châu lục.

Sự quan tâm của khán giả quan trọng hơn giải thưởng

Kể từ khi ra rạp, “Tro tàn rực rỡ” đã khiến khán giả “rất khó để im lặng”. Tỷ lệ khen và chê phim của anh có vẻ đang cân bằng lắm, anh nghĩ sao về điều này?

Thế à (cười)? May là phim được bàn tán. Tôi thích điều này, kể cả khán giả chê cũng vẫn thích. Đây là cái hay nhất của việc làm phim, chứ không phải giải thưởng. Sợ nhất là xem xong khán giả lặng thinh. Vì có khen có chê mới chứng tỏ bộ phim đang sống. Thực thể sống nào lại không có khuyết tật? Chưa kể, khán giả đứng ở những góc độ khác nhau, với gu khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, họ sẽ tiếp nhận bộ phim không giống nhau.

Lại nói về giải thưởng, nói thật anh có thất vọng không khi “trượt” giải ở LHP Tokyo, cho dù ngay sau đó được bù lại bằng giải cao nhất của LHP ba châu lục (LHP của các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh, có lịch sử từ năm 1979, từng tôn vinh những tác giả lớn của châu Á như: Hầu Hiếu Hiền, Vương Gia Vệ, Kore-eda...)?

Có gì đâu mà thất vọng? Bởi vì đối với nhà làm phim, việc được lựa chọn, được chiếu ở một LHP tầm cỡ quan trọng hơn. LHP Tokyo đã chọn trong 1.700 phim để lấy 15 đề cử. Về cơ bản, tiêu chuẩn chọn 15 tác phẩm này đều tương đương nhau. Việc cuối cùng một bộ phim được xướng tên ít nhiều sẽ phụ thuộc vào gu của từng ban giám khảo (BGK). Điều đó là bình thường. Về sau “Tro tàn rực rỡ” được giải Khinh khí cầu vàng, tôi cũng coi như một sự hợp gu BGK thôi.

Nói thế chứ, dù sao những giải thưởng cũng khiến bộ phim “bán chạy” hơn, giống như trường hợp của những cuốn sách?

Nói chung, tôi và cả nhà sản xuất đều không ngây thơ đến mức hy vọng vào doanh thu của một bộ phim tác giả đâu.

Phim không hy vọng vào doanh thu, thậm chí như anh nói “làm xong chả có xu nào”, nhưng anh vẫn chờ đợi 7 năm để hoàn thành “Tro tàn rực rỡ”, lý do thực sự của sự kiên trì này là gì?

Có lẽ bởi vì ngoài làm phim thì tôi cũng chả biết làm gì khác. Làm phim là công việc khiến tôi có cảm giác tồn tại, nó khiến tôi ngày càng nhìn rõ các vấn đề của cuộc sống. Nó cũng là cơ hội để tôi chia sẻ nhãn quan, góc nhìn của mình.

Tôi thích những con người và vùng đất nhiều sức sống

Hai năm viết kịch bản và 5 năm chuẩn bị, câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư lẫn vùng đất phương Nam hẳn phải có gì đó “xứng đáng” với chờ đợi của anh?

Đầu tiên phải là truyện của Tư, kế đến mới là sự hấp dẫn của một vùng đất lạ. Tôi thích những con người và vùng đất có nhiều sức sống. Tôi có cảm giác thế giới văn minh đang ngày càng bóp nghẹt sức sống của con người. Nó làm người ta giống như cỗ máy: phải làm việc liên tục, rồi lại phải uống rất nhiều thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân để giữ cân bằng. Cuộc sống như thế rất mất tự nhiên.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Khán giả khen hay chê tôi đều vui! ảnh 1

Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ”

Tôi tìm thấy sự tự nhiên và sức sống ở con người miền Tây. Đến rồi mới biết, cuộc sống ở đấy giản đơn lắm, giản đơn hơn những gì ta có thể tưởng tượng. Có người xem xong phim hỏi tôi, những người nông dân miền Tây có hạnh phúc không? Tôi nghĩ họ hạnh phúc hơn người thành phố. Bởi vì cuộc sống của họ ít gánh nặng. Cũng có lẽ bởi ít gánh nặng họ mới có thời gian nghĩ đến tình yêu, đến một ánh mắt, một cái ngoái nhìn, những thứ rất tinh tế như thế.

Trong phim của anh, thiên tính nữ được đẩy lên như là biểu tượng: những người phụ nữ đều rất đẹp, tràn ngập mẫu tính, dùng cả đời để kiên trì với tình yêu của mình, trong khi ở chiều ngược lại, sự thất bại và trốn chạy của đàn ông được nhấn mạnh như một căn tính cộng đồng. Do đâu anh phải làm quá lên như thế?

Phim này nói về mối quan hệ của đàn ông và đàn bà trong xã hội phương Đông. Tôi muốn tìm sự cân bằng trong mối quan hệ ấy, và tìm cách lý giải chuyện đó. Sự thất vọng, sụp đổ của người đàn ông xuất phát từ cấu trúc xã hội truyền thống. Nam giới từ khi sinh ra đã gánh trên vai trọng trách phải thành công, phải là chỗ dựa, là trụ cột, là niềm tự hào cho gia đình, dòng tộc, khu phố... Sự áp đặt của xã hội khiến cho người nam rất thiếu tự nhiên. Mà đàn ông càng mất tự nhiên thì phụ nữ càng tự nhiên. Đàn ông càng mong manh, phụ nữ càng chắc chắn. Đây là sự tự điều tiết, tự cân bằng rất kỳ lạ. Mối quan hệ tương hỗ này được giằng néo với nhau bởi chữ tình: tình yêu, tình thương, tình thân... Điều này rất khác phương Tây.

Ngay cả tiếng khóc trong phim cũng phải tiết chế

“Tro tàn rực rỡ” được đánh giá cao ở sự tiết chế và khách quan khi kể một câu chuyện. Không có những chiêu trò để lấy nước mắt hay thao túng cảm xúc của khán giả, mặc dù chất liệu của nguyên tác rất dễ để làm điều đó. Là anh cố tình phải không?

Tôi nghĩ rằng đấy là một sự tôn trọng người xem, để cho họ tự quyết cái nhìn của mình về bộ phim, về câu chuyện, về nhân vật, rồi họ tự tìm ra những câu trả lời cho mình.

Tôi rất muốn phim có nhịp như kinh kệ, như sự chảy của dòng sông, như định kỳ lên xuống của con nước, đều đặn, nhẫn nại như thế. Bởi vì con người, không khí vùng đất miền Tây nó như thế, nó không biến chuyển theo kiểu hốt hoảng hay kịch tính, mà rất thản nhiên. Đó là một cách để người ta sống: đau khổ họ cũng thản nhiên, nghèo họ cũng thản nhiên. Họ không giày vò, dằn vặt nhiều. Cho nên, cô Hậu mới có thể sống được như thế chứ. Nó khác với thành phố. Người thành phố thì không chịu được kiểu sống ấy đâu.

Có lẽ bởi vì ngoài làm phim thì tôi cũng chả biết làm gì khác. Làm phim là công việc khiến tôi có cảm giác tồn tại, nó khiến tôi ngày càng nhìn rõ các vấn đề của cuộc sống. Nó cũng là cơ hội để tôi chia sẻ nhãn quan, góc nhìn của mình.

Ngay cả lời thoại trong phim cũng rất tiết chế, ba nam chính rất ít mở miệng?

Tôi quan niệm thoại trong phim như là âm thanh thôi, nó không có quá nhiều ý nghĩa. Cái mạnh nhất của điện ảnh là kể chuyện bằng hình. Thoại không phải là đặc trưng của điện ảnh mà là của sân khấu. Nếu bạn để ý, ngay cả cảnh khóc trong phim tôi cũng yêu cầu diễn viên phải tiết chế. Đầu tiên, gặp cảnh bi, biểu cảm đau khổ của diễn viên có vẻ làm quá. Tôi bảo các em đừng làm thế. Cái này là cuộc đời, ở cuộc đời có xảy ra chuyện gì thì cũng phải nhẫn nhịn mà đi tiếp. Người ta phải sống chứ, phải tìm cách làm quen, phải bình thường với mọi chuyện chứ. Các diễn viên rất thích cách khai thác ấy. Và lúc diễn, họ bắt đầu kiềm chế sự đau khổ, để cho những hành động bên ngoài đều thản nhiên.

Không phải mọi người làm phim đều muốn lôi cuốn khán giả “không dứt ra được” hay sao? Anh lại cố tình kiềm chế mọi thứ, kể cả nỗi đau?

Nếu tôi muốn kể một câu chuyện giật gân, khoa trương cuốn hút khán giả thì khác. Tôi không muốn bỏ thuốc độc vào cốc của khán giả, phun khí mê hoặc cho họ mụ mị người đi. Tôi muốn khán giả tỉnh táo khi xem phim. Cảm nhận phải đến từ sự khách quan, minh bạch, sự bình thản... nó mới có giá trị.

MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.