'Tro tàn rực rỡ' - những người đàn ông ngó lơ phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dựa trên hai truyện ngắn ám ảnh của Nguyễn Ngọc Tư, phim của Bùi Thạc Chuyên vẽ nên một khung cảnh tù túng của phận người, đặc biệt là phụ nữ. Ngoài cốt truyện khá độc đáo, "Tro tàn rực rỡ" nghiên cứu và trình bày đời sống của người dân miền sông nước khá chi tiết. Có lẽ yếu tố địa phương cũng góp phần đem lại cho phim giải cao nhất tại liên hoan phim LHP ba châu lục (Á, Phi và Mỹ La-tinh).

Tro tàn rực rỡ kết hợp khéo léo truyện ngắn cùng tên và một truyện khác cũng của Nguyễn Ngọc Tư là Củi mục trôi về. Hẳn là đạo diễn kiêm biên kịch Bùi Thạc Chuyên đã nhìn thấy mối tương quan trong hai truyện.

Xuất phát điểm của cả hai truyện đều là vụ cưỡng hiếp. Có điều ở Củi mục trôi về, do hãm hiếp trẻ vị thành niên trong cơn say nên nhân vật “gã” trở thành tội phạm. Sau một thời gian trốn chạy, hắn quay về làng và muốn trở thành nhà sư.

Tro tàn rực rỡ, vụ hãm hiếp cũng do rượu xúc tác xảy đến với cô gái đủ tuổi và có cảm tình với thủ phạm nên dẫn đến đám cưới. Tình cờ thế nào mà cả hai sự việc đều có trùng một kết quả: thủ phạm không cho thấy sự ăn năn trước hành vi cưỡng hiếp, còn nạn nhân thì cứ tự động dung thứ…

'Tro tàn rực rỡ' - những người đàn ông ngó lơ phụ nữ ảnh 1

Các nhân vật nữ trong phim thường thể hiện sự tuân phục trước nam quyền. Ảnh: NSX.

Tro tàn rực rỡ phiên bản phim quyết vẽ nên một bức tranh không rực rỡ chút nào về thân phận phụ nữ trên bối cảnh sông nước mênh mông của vùng châu thổ sông Mê Kông. Tình thế của nữ giới ở vùng đất lẫn với nước này luôn ở trạng thái vô hình với chính chồng mình. Nguyễn Ngọc Tư viết: “Nhưng trong mắt Tam chỉ có đám cháy rực rỡ. Không có Nhàn. Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm”.

Có anh Tam (Quang Tuấn) hăng say đốt nhà thì cũng có cô Hậu (Bảo Ngọc Doling) mê thích ngắm đám cháy: “Em cũng đến đám cháy như một người coi hát. Vở tuồng của những con người đổ nát… Em ở đó cho đến khi lửa rụi tàn. Thứ ánh sáng lộng lẫy đó xáo động em đến cả mấy tháng sau. Em thấy mình chính là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy”. Sở thích kỳ cục của những nhân vật này hứa hẹn là chất liệu “cháy nỏ” cho điện ảnh.

Trong truyện, sở thích của Tam thiên về một kiểu tính cách "tao thích thì tao đốt", không quan tâm tới vợ con, họ mạc… Nhưng vào phim, đạo diễn muốn quy nó vào bệnh lý. Nó chỉ xảy đến sau cái chết của đứa con gái đầu lòng. Tam vốn là một người đàn ông hơi đụt sau đó bèn có các triệu chứng của trầm cảm, tự làm bỏng mình, tiến triển lên là thích tạo ra những đám cháy to. Tất nhiên anh ta chẳng dám đốt nhà ai ngoài nhà mình.

Nguyên nhân đã rõ này khiến cho hành động của nhân vật trở nên kém “lãng mạn” so với truyện. Nó không còn cái độ “ngạo nghễ” của một thằng đàn ông nhút nhát bỗng tìm ra cách để khẳng định vị thế, nam quyền vốn có. Trong truyện người vợ bất lực đành phải hùa theo chồng, còn trong phim, giống như bị lây bệnh từ chồng.

Truyện Củi mục trôi về có khả năng gây sốc khi tác giả để cho nạn nhân từng bị hiếp và giết mà không chết cuối cùng không chỉ tha thứ mà còn cầu hôn thủ phạm. Tuy nhiên sự tinh tế của truyện nằm ở chỗ thủ phạm ít ra còn “chết đứng” khi lần đầu gặp lại nạn nhân.

Phim cho thấy nhân vật “gã” do Thạch Kim Long thủ vai tỏ ra phớt lờ Loan (Hạnh Thúy) trong buổi tái ngộ, lại càng vênh vang đi lướt qua cô sau khi cạo đầu và khoác lên mình bộ áo lam. Nó làm cho nhân vật này trở nên không đáng tin. Nhưng dù sao điều này cũng một lần nữa nhấn mạnh “bản án” rất khủng khiếp cho phụ nữ ở xứ này. Đó là với đàn ông, họ chỉ như một thứ đồ vật, mà lại còn là đồ thừa. Và đáng ngại hơn, họ cam chịu thân phận đó.

Truyện Tro tàn rực rỡ dùng thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”. Tức là câu chuyện ly kỳ hấp dẫn lại làm nền cho một câu chuyện ít kịch tính hơn. Các vụ cháy nhà luôn trở đi trở lại trong câu chuyện Hậu dành để kể lại cho người chồng hay vắng nhà.

Nhưng những gì kinh khủng nhất chỉ được gói trong có một câu và bị chìm lấp trong chi tiết thường nhật của nhà mình: “Cô giáo chọn con Tí đi thi viết chữ đẹp cấp xã. Thằng Lanh thì mọc được sáu cái răng. Hôm chị Nhàn vớt con Hoa dưới mé kinh lên, ông Tam đang gặt. Nghe người ta kêu, ông chạy về đánh Nhàn lăn ra đất, đạp túi bụi vào bụng chị, xong cứ ôm xác con không chịu buông”. Nó giống như Hậu mượn chuyện Nhàn (vốn là người trong mộng của Dương - chồng mình) để lôi kéo sự chú ý của Dương (Lê Công Hoàng) về với gia đình và trước hết là với chính Hậu.

Vì sao những người đàn ông xứ này lại cứ ngó lơ chính những người phụ nữ gần với họ nhất, thật là khó lý giải. Phim xem ra cũng không có tham vọng lý giải. Nhưng phim cũng né tránh những cảnh kịch tính nhất như truyện kể cũng hơi chán. Vì ở quy mô của truyện, Hậu là người kể duy nhất. Còn phim với sự đan xen của 2-3 tuyến truyện vô hình trung đã tạo nên một toàn cảnh. Nếu chỉ dựa vào góc nhìn của Hậu, chuyện phim có phần trở nên hơi hẫng hụt.

Ngay cả những chi tiết độc quyền của phim cũng không được khai thác tới nơi tới chốn. Chẳng hạn bằng cách nào mà Loan kiếm được cả một bị rắn đổ vào nơi “gã” đang ngồi niệm Phật. Và thầy chùa tập sự đã đối mặt với bầy rắn thế nào hoàn toàn bị phim lờ đi. Có vẻ phim chỉ muốn dùng con rắn như một biểu tượng về các mối quan hệ phối ngẫu phức tạp, nhưng hiện lên rõ nét hơn biểu tượng của những quả chuối bị ép. Những con người trong phim cũng bị ép để không sống đúng cuộc đời mà họ muốn.

'Tro tàn rực rỡ' - những người đàn ông ngó lơ phụ nữ ảnh 2

Các ông bố trong phim rất yêu chiều con gái trong khi thờ ơ với vợ mình. Ảnh: NSX.

Những mối quan hệ kỳ quặc có thể nảy sinh từ cơn lốc đô thị hóa cuốn hết đi những người đàn ông tử tế hoặc bình thường, chỉ để lại nơi miệt vườn những “cá tính” được nhào nặn bởi rượu. Ngay cả thầy chùa cũng uống rượu mà quên cả sám hối và dùng rượu làm phương tiện để dạy đệ tử… Khi cuộc sống trở nên bí bách, phụ nữ vẫn là những đối tượng “đứng mũi chịu sào” - dễ bị tổn thương hơn.

Phim cũng không phát triển tuyến Nhàn - Tam, chẳng biết sau vụ đốt nhà cuối cùng, anh chồng ra sao. Cũng là một kiểu nhấn mạnh kiếp người bèo bọt, sáng lên một lần rồi lịm tắt? Nhưng cuối cùng Hậu xem ra cũng rút ra bài học gì đó dẫn đến một cái kết phim mở. Có vẻ như cô quyết không trở thành nạn nhân tiếp theo của chính đời mình.

MỚI - NÓNG