Nặng lòng với giấy dó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi bắt tay vào bảo tồn giấy dó, Trần Hồng Nhung nhận thấy “vũ trụ” giấy truyền thống của Việt Nam thực sự mênh mông, khai phá cả đời chắc cũng chưa hết. Tuy nhiên để giấy dó thực sự trở thành “quốc bảo” khiến người Việt tự hào với thế giới vẫn còn là một hành trình khá dài…

TẦM NHÌN

Những ngày này, Trần Hồng Nhung đang tập trung tiến hành chuyển giao quy trình làm giấy dó từ làng nghề ở Bắc Ninh tới cộng đồng người Dao ở Đà Bắc, Hòa Bình với sự giúp sức của Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Úc. Nơi đây từng có nghề làm giấy dó nhưng nay đã gần như thất truyền. Trong khi tương lai giấy dó Bắc Ninh cũng khá mong manh khi người dân hầu hết đã chuyển sang sản xuất giấy công nghiệp.

Nhung đưa 2 nghệ nhân từ làng Trâm Khê, Bắc Ninh lên Hòa Bình truyền dạy và các học viên bước đầu đã làm được thành phẩm đơn giản. Tuy nhiên cô nhận định sẽ phải mất 5-10 năm để hoàn tất việc chuyển giao. “Đây là con đường duy nhất. Nếu không sẽ khó giữ được nghề giấy dó”, cô nói.

Trong khi giấy dó với lịch sử 800 năm vẫn chưa được công nhận là di sản cấp quốc gia, Nhung mới phát hiện ra chính quyền Hà Giang đã kịp làm hồ sơ công nhận di sản cho nghề làm giấy bản tuổi đời 2 thế kỷ ở thôn Thanh Sơn (Việt Quang, Bắc Quang). Chất lượng của loại giấy này làm cho Nhung không khỏi ngạc nhiên: “Trước nghĩ giấy bản chỉ để đốt. Riêng giấy Hà Giang cực đẹp, nếu cũng chỉ dùng để đốt thì quá phí. Nếu phát triển được lên chắc chắn làm được những tờ giấy rất đẹp không khác gì Bắc Ninh”.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với truyền thống làm giấy bản của người Tày- Nùng ở Cao Bằng. Đồng bào dân tộc sử dụng những loại giấy này cho mục đích tín ngưỡng. “Xưa người Dao mỗi nhà có 8-9 người con. Từ lễ đặt tên đến lễ trưởng thành phải mất hàng triệu đồng tiền giấy, tiền tranh”, Nhung kể. “Hiện một lễ cúng của họ mất khoảng 12 triệu tiền giấy dù mua loại rẻ, theo cân. Một bức vẽ để lưu truyền qua nhiều đời phải mấy chục triệu”.

Nặng lòng với giấy dó ảnh 1

Chuyên gia về giấy truyền thống Trần Hồng Nhung bên những sản phẩm của Zó Project- doanh nghiệp xã hội do cô sáng lập và điều hành. Ảnh: FBNV

Để chép văn cúng, họ vẫn phải dùng giấy dó từ Bắc Ninh. Còn một nghệ nhân người Dao chuyên vẽ tranh thờ cho Nhung hay ông vẫn chưa tìm được loại giấy thực sự ưng ý sau khi “đối tác” là một nghệ nhân làm giấy cũng người Dao ở Phú Thọ qua đời. Nhung nhận thấy nhu cầu của dân sở tại đã là một thị trường đầy tiềm năng cho giấy dó. Tất nhiên vẫn phải phát triển kỹ nghệ để làm ra những loại giấy chất lượng cao để xuất khẩu.

Tháng 9 vừa qua, Nhung đón tiếp 2 nghệ sĩ từ Brazil xin sang làm dự án lưu trú sử dụng giấy Việt Nam để sáng tác. Tháng 10, cô tiếp tục dẫn 6 nghệ sĩ quốc tế đi 5 tỉnh để tìm hiểu truyền thống làm giấy của các dân tộc Tày, Nùng, Dao Đỏ, Dao Tiền… Cô cũng đang hỗ trợ một nghệ sĩ Mỹ với hy vọng sau này sẽ thành đại sứ của giấy dó ở Mỹ. Sau khi giấy dó được tờ Business Insider giới thiệu, Nhung cho hay lượng khách Mỹ đặt hàng qua công ty của cô tăng vọt, nghệ nhân làm không kịp.

“Làm bài toán bảo tồn văn hóa mà chỉ kêu gọi suông chắc chắn không thành công. Nên tôi quyết định thành lập doanh nghiệp để theo sát quá trình bảo tồn, phát triển gắn liền với cộng đồng. Nếu chỉ làm doanh nghiệp bình thường (mua nguyên liệu, thuê nhân công) không thể tạo nên di sản quốc gia được”

Trần Hồng Nhung

Ở các nước phát triển, trong các trường đại học đều có ngành fiber chuyên nghiên cứu về xơ, sợi để phục vụ công nghiệp sáng tạo. Nhung cũng đang đặt vấn đề với một vài trường đại học ở Việt Nam bước đầu đưa truyền thống giấy dó vào giảng dạy. “Không chỉ dạy mỗi làm cách giấy truyền thống”, cô cho biết. “Mà qua đó sinh viên phải tìm hiểu, khai phá để sáng tác ra nhiều quy trình làm giấy mới. Nghệ sĩ mình mới chỉ sáng tác trên giấy mà chưa nắm vững quy trình làm giấy nên sáng tạo còn hạn chế”. Theo Nhung thì Việt Nam mới chỉ có Phan Hải Bằng (người tạo nên trúc chỉ) đáng được gọi là nghệ sĩ giấy. “Quá ít ỏi trong khi khả năng sáng tạo của giấy rất kinh khủng”, Nhung nhận định.

DUYÊN NGHIỆP

Nhung có thâm niên làm cho các tổ chức phi chính phủ. Khi đang làm cho một quỹ của Đức, cô gặp một người bạn muốn khôi phục nghệ thuật thư pháp mang qua châu Âu để các hãng xe hơi dùng làm quà tặng cho khách VIP.

Nặng lòng với giấy dó ảnh 2

Nghệ nhân Bắc Ninh đang hướng dẫn bà con ở Đà Bắc làm giấy dó

Sau khi giúp anh bạn kết nối các nhà thư pháp, Nhung nhận ra khó có một tiêu chí nào để xác định trình độ của mỗi “ông đồ”. Người nào cũng cho mình là đúng... Không có tiếng nói chung thì khó lòng đưa ra thế giới, Nhung kết luận. Nhưng từ đó, cô bắt đầu để ý đến tờ giấy dùng để viết thư pháp. Mà cô thấy cũng chưa đủ tiêu chuẩn cấu thành một sản phẩm quà tặng cao cấp được định giá hàng trăm đô. Nhung bèn chuyển hướng sang khôi phục, nâng cấp giấy dó.

Nhà Nhung nhanh chóng trở thành xưởng thí nghiệm giấy dó thu hút những người cùng chí hướng đến mày mò. Sau 3 năm, cô nhận thấy đã đến lúc phải phát triển việc “làm thêm” thành doanh nghiệp xã hội. Mô hình đòi hỏi sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm để tái đầu tư, giáo dục, hỗ trợ cộng đồng.

Giấy dó thế kỷ 13 mới xuất hiện trong khi người Việt bắt đầu làm giấy từ thế kỷ 3. Hiện vẫn còn nhiều dân tộc thiểu số giữ quy trình làm giấy riêng từ những nguyên liệu thực vật khác nhau. Giấy làm từ cây Dó vẫn được duy trì ở vài tỉnh phía Bắc mà trung tâm là Bắc Ninh. Tuy nhiên hầu hết người dân ở các làng nghề này đều đã chuyển sang làm giàu từ các dây chuyền giấy tái chế gây ô nhiễm môi trường.

COVID-19 khiến công việc bị gián đoạn mất 3 năm. Giữa năm nay Nhung rục rịch tuyển lại nhân viên cho văn phòng Hà Nội, cũng chỉ gồm 5-6 người. Còn lại là mạng lưới cộng đồng. Với sự hỗ trợ của người Nhật, Nhung đã đưa được nghề giấy hướng tới cộng đồng người Mường ở Lương Sơn, Hòa Bình. Tương lai cô muốn phủ sóng cả Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu… Còn dự định của riêng Nhung là viết một cuốn sách về 5 loại giấy tiêu biểu của Việt Nam.

Một băn khoăn của Nhung là cho dù cô có thể hoàn thiện quy trình làm giấy và phát triển được thị trường nước ngoài thì việc nâng tầm giấy dó thành di sản quốc gia vẫn phải trông chờ ở các cơ quan Nhà nước. Còn đưa ra thế giới trong tình trạng truyền thống vẫn đang bị mai một theo cô chưa nên.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.