Vụ việc xảy ra tại xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Ngày 9/3, ông N.N.T. (62 tuổi) đào được 200g nhộng ve sầu rồi đem về chiên xào làm mồi nhậu.
Tham dự bữa nhậu với món mồi "độc" này có ngoài ông T., còn có 2 con trai ông là N.V.H. (34 tuổi), N.N.N. (29 tuổi), con rể T.Đ.T. (32 tuổi) và ông L.C.C. (57 tuổi, hàng xóm).
Theo lời người nhà, sau bữa nhậu khoảng 1-2 tiếng, cả 5 người bắt đầu có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, nôn ói, co giật, run tê tay chân.
Thấy vậy, gia đình đã phải đưa tất cả các nạn nhân nhập viện cấp cứu ngay trong chiều 9/3 tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Ngày 12/3, bác sĩ Lê Quốc Hùng - Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, ông L.C.C. (người hàng xóm) bị ngộ độc nặng nhất vì ăn đến 16 con nhộng ve sầu. Hiện ông C. vẫn còn tình trạng tê tay chân, run lẩy bẩy. Sức khỏe các bệnh nhân còn lại đã ổn định.
Theo bác sĩ Hùng, nhộng ve sầu hay còn gọi là ấu trùng của ve sầu nằm dưới lòng đất. Vào đầu mùa mưa, ấu trùng sẽ chui lên để hóa thành ve sầu. Vì nhộng nằm dưới lòng đất chung với nhiều loại nấm, trong đó có cả nấm độc nên "người dân cứ cho rằng ăn cái này bổ, nhưng thực chất sẽ bị ngộ độc thần kinh” như lời bác sĩ Hùng.
Ngoài các triệu chứng đã xuất hiện ở các bệnh nhân trên, ngộ độc thần kinh do trong trường hợp nặng sẽ gây hôn mê và tử vong. Độc tố phát tán mạnh hay nhẹ trong cơ thể phụ thuộc vào số lượng nhộng đã ăn (ăn nhiều ngộ độc nhiều) và tùy cơ địa mỗi người.
“Trong trường hợp này, 5 bệnh nhân đã ăn nhộng ve sầu kèm với uống rượu bia. Yếu tố rượu bia chính là nguy cơ tăng nặng tình trạng ngộ độc”, bác sĩ Hùng cho biết thêm.
Năm nào bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do ăn nhộng ve sầu, tuy nhiên chưa có ca nào tử vong. Năm 2013 có 3 ca, 2014 cũng có 3 ca.
Trường hợp gia đình ông H kể trên, là ca ngộ độc đầu tiên của năm 2015 tại bệnh viện. Hiện bệnh viện đã lấy mẫu nhộng ve sầu chưa ăn do gia đình ông H cung cấp để xét nghiệm.
Bác sĩ Hùng cảnh báo, các ca ngộ độc nhộng ve sầu xảy ra nhiều nhất ở tỉnh Bình Phước, nơi có người dân tộc và nông dân làm rẫy. Các ca nặng thường rơi vào các đối tượng có trình độ nhận thức không cao.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo người dân đừng nghe hoặc ham những món mồi “độc”, lạ bởi dễ bị ngộ độc. Trong trường hợp ngộ độc nhộng ve sầu hay ngộ độc thần kinh do ăn phải nấm độc cần đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện.