Dân sự hóa một vụ án hình sự

Dân sự hóa một vụ án hình sự
TP- Tầm 7 giờ sáng ngày 21/3/2007, một nhóm gần 10 người đằng đằng sát khí, tay búa, tay xà beng, lao vào một quán hàng ngay cổng chợ xép Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), mặc sức đập phá. Chủ quán lao chạy tháo thân.

Hàng hóa trong quán được chuyển vứt thành đống ngay sát lề QL1A. Nhóm người nào lại táo tợn hành xử theo kiểu côn đồ giữa thanh thiên bạch nhật ở một vùng quê được tiếng là yên bình như vậy?

Hình sự thành dân sự

Người cầm đầu chỉ huy nhóm người đập phá này chẳng phải là ai xa lạ mà đó là vợ chồng ông Võ Ngọc Nguyên (hiện là cán bộ ở Trạm Viba Dốc Sỏi, thuộc Trung tâm quản lý Viễn thông 3 - Đà Nẵng) và vợ là bà Lê Thị Ninh (Hiệu phó trường Tiểu học số 1 Sen Thủy).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1995, vợ chồng ông Nguyên và bà Ninh đấu giá được lô đất ngay trước cổng chợ làm nơi buôn bán hàng tạp hóa. Đến năm 1998, họ cho bà Lê Thị Xuân (có chồng là Lê Văn Hữu đều là giáo viên đã nghỉ hưu) mượn lại lô đất này để xây dựng quán kinh doanh.

Mãi 7 năm sau, ngày 9/8/2005, bà Ninh và vợ chồng bà Xuân đã ký một biên bản cam kết viết tay, có sự xác nhận của UBND xã Sen Thủy rằng, đến ngày 1/2/2007 (âm lịch), tức ngày 19/3/2007 dương lịch, bà Xuân phải bàn giao lại đất cho bà Ninh. Bên nào vi phạm cam kết sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Khi đến thời điểm trên, nhưng chưa thấy bà Xuân trả đất, thay vì phải báo cáo lên UBND xã để nhờ can thiệp, hoặc khởi kiện ra toà án thì ngày 21/3/2007 (3 ngày sau cam kết trả đất), vợ chồng ông Nguyên áp dụng ngay “biện pháp mạnh” như chúng tôi nêu ở trên. Ngay lúc đó vợ chồng bà Xuân vội cấp báo lên UBND xã nhờ can thiệp.

CA xã Sen Thủy đến ngay hiện trường và lập biên bản. Biên bản hiện trường lúc đó ghi: Hiện trường lúc này, quán bà Lê Thị Xuân đã bị ông Võ Ngọc Nguyên thuê một số người lạ mặt cùng ông Nguyên dùng búa và xà beng phá hỏng hoàn toàn.

Còn số hàng hóa trong quán của bà Xuân, theo biên bản kiểm kê được lập sau đó, gồm 101 mặt hàng, có giá tại thời điểm trên 50 triệu đồng, cùng 183.700 đồng đã được vợ chồng ông Nguyên và số người lạ mặt được thuê đưa ra khỏi quán và chất thành một khối gần đó. Thời điểm này không có mặt bà Xuân...

Dân sự hóa một vụ án hình sự ảnh 1
Hiện trường quán bị đập phá sau gần 1 năm

Sau đó, UBND xã đã 4 lần gặp yêu cầu ông Nguyên phải bảo vệ số tài sản mà ông tự ý đưa ra khỏi quán để chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng ông Nguyên không chấp hành lời đề nghị của CA xã. Buộc lòng, chính quyền sở tại phải đưa số hàng trên vào trụ sở UBND để bảo quản.

Ngay sau vụ việc này, gia đình bà Xuân liên tục gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý vợ chồng ông Nguyên cùng 5 người được thuê tham gia vào vụ đập phá này tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân” (Điều 143 Bộ luật Hình sự).

Thế nhưng lạ thay, một số cơ quan chức năng xử lý vụ việc này của tỉnh Quảng Bình và huyện Lệ Thủy lại cho rằng đây thuần túy là một vụ...tranh chấp dân sự.

Sự thật bị bóp méo

Gần 1 năm sau, chúng tôi trở lại hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Dấu tích của vụ đập phá bây giờ chỉ còn cái nền móng quán trơ mấy viên blô, nham nhở rêu phong. Chiếc tủ đựng hàng tạp hóa đã mục theo nắng mưa.

Đến trụ sở UBND xã tìm gặp ông Trần Văn Đường, Chủ tịch xã Sen Thủy, ông Đường ngao ngán: “Đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên xin hướng giải quyết vụ việc này, nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn cứ phải chờ và vẫn phải bảo vệ đống tang vật của vụ việc”.

Ông Đường đưa chúng tôi vào gian phòng làm việc được trưng dụng làm kho chứa 101 mặt hàng của bà Xuân mà UBND xã cực chẳng đã phải bảo quản gần 1 năm nay.

Mùi mốc, mùi hôi của các loại hàng tạp phẩm nồng nặc. Số hàng cơ bản đã hỏng hết. “Nhưng khổ nỗi, nó là tang vật, nên chúng tôi không thể thanh lý, ông Đường nói.

Có điều bất thường là trong công văn số 1048 ngày 25/9/2007 của Viện KSND tỉnh Quảng Bình báo cáo vụ việc trên với Viện KSND Tối cao (Vụ 1) thì sự thật đã bị bóp méo đến khó hiểu.

Trong báo cáo này không hề có chuyện đập phá, vứt hàng hóa của bà Xuân ra bên ngoài. Không có việc bà Xuân phải tháo chạy thoát thân trước một nhóm người đằng đằng sát khí với xà beng, bay, búa.

Mọi việc được Viện KSND tỉnh Quảng Bình mô tả diễn ra rất hòa bình, trong tinh thần thỏa thuận: “Anh Nguyên cùng 2 đứa cháu ruột đến quán bà Xuân để dọn hàng, dỡ quán để làm lại cho thuê. Lúc đó bà Xuân vẫn dọn hàng của mình ra khỏi quán”.

Hay như sự việc diễn ra ngày 21/3/2007, nhưng trong công văn của Viện Kiểm sát tỉnh lại nói rằng vụ việc này diễn ra ngày 23/7/2007, nghĩa là sau hơn 4 tháng. 5 kẻ lạ mặt được thuê không hề thấy trong báo cáo này.

Nếu mọi việc diễn ra như Viện KSND tỉnh Quảng Bình nêu thì có nghĩa là biên bản của CA xã Sen Thủy lập vào thời điểm đó là hoàn toàn...dựng chuyện.

Và, nếu không nghe lời khai của các nhân chứng, không có biên bản của CA Sen Thủy, không tận thấy đống hàng hóa trên 50 triệu đồng của vợ chồng ông Hữu đang bị thối rữa trong trụ sở UBND xã, mà chỉ đọc báo cáo trên của Viện KSND tỉnh thì quả là “việc chẳng có gì mà ầm ĩ”.

Vì thế chăng, nên các cơ quan chức năng ở đây chỉ coi đó là sự tranh chấp dân sự. Người bị hại vẫn tiếp tục kêu cứu. Còn kẻ gây ra hậu quả này vẫn nhơn nhơn thách thức pháp luật.

MỚI - NÓNG