Dán nhãn phim trên nền tảng số: Không thể buông lỏng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc dán nhãn, hiển thị mức phân loại phim trên các nền tảng số, dịch vụ cung cấp phim trực tuyến còn nhiều lỗ hổng. Để tránh việc dán nhãn chưa chặt chẽ gây ảnh hưởng đến người xem, chuyên gia cho rằng, những tiêu chí về phân loại phim cần được lượng hóa một cách cụ thể.

Dán nhãn dễ dãi

Thông tư do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành về quy định tiêu chí phân loại phim, thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim có hiệu lực từ hơn một năm nay. Bảy tiêu chí phân loại phim được nêu tại thông tư bao gồm tiêu chí chủ đề, nội dung, tiêu chí về bạo lực, khỏa thân, tình dục, tiêu chí về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện, tiêu chí về kinh dị, tiêu chí về ngôn ngữ thô tục, tiêu chí về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Dán nhãn phim trên nền tảng số: Không thể buông lỏng ảnh 1

Ranh giới giữa phim dán nhãn 16+ hay 18+ còn mong manh, nếu chỉ dựa trên những tiêu chí hiển thị ở đầu phim.

Mức phân loại được xếp từ thấp đến cao, theo các lứa tuổi. Với phim được phổ biến trên không gian mạng, mức phân loại phim phải hiển thị rõ ràng và nổi bật, tối đa ba lần trong quá trình phổ biến phim đối với phim có thời lượng từ 20 phút trở lên.

Theo thông tư của Bộ VHTTDL, với phim T18 (18+), nội dung phim được đề cập đến các vấn đề của người trưởng thành, có thể miêu tả ở mức độ mạnh, chi tiết nhưng không có thời lượng kéo dài, không diễn ra thường xuyên và phải phù hợp với nội dung phim. Thông tư đánh giá phân loại phim dựa trên các nguyên tắc bảo vệ trẻ em và các đối tượng khác dễ bị tổn thương trước nội dung không phù hợp hoặc có thể có tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, việc dán nhãn, hiển thị mức phân loại phim trên các nền tảng số, dịch vụ cung cấp phim trực tuyến còn nhiều lỗ hổng. Điển hình trên dịch vụ truyền hình trực tuyến Netflix. Đại diện nền tảng này khẳng định, việc xếp hạng độ tuổi do Netflix hoặc một tổ chức tiêu chuẩn ở địa phương đặt ra.

Netflix thiết lập xếp hạng độ tuổi theo tần suất và tác động của nội dung người lớn trong một video như thời lượng cảnh bạo lực, tình dục, ngôn từ người lớn, cảnh khỏa thân,… Ở Việt Nam, Netflix sử dụng bảng xếp hạng từ thấp đến cao như sau: đề xuất cho mọi khán giả, 7+, 10+, 13+,16+ và 18+. Phần giới thiệu phim ghi rõ các chi tiết dùng để xác định xếp hạng, ví dụ: tình dục, ngôn từ, bạo lực, cảnh khỏa thân. Dù vậy, nhiều phim có tình tiết kinh dị, rùng rợn, bạo lực lại không được dán nhãn cảnh báo ở mức cao.

Trinil (Indonesia) là phim kinh dị được nền tảng này xác định có yếu tố bạo lực, tình dục, tự sát nhưng chỉ gắn mác 16+. Phim Tan-Ti-Ana xoay quanh hiện tượng tâm linh, nhân vật chính là một hồn ma nhưng vẫn dành cho trẻ từ 13 tuổi trở lên. Tương tự, Ma búp bê (phần 3) mở đầu với cảnh quay chậm đầy máu trên búp bê, hình ảnh u ám, bạo lực suốt phim nhưng vẫn dành cho trẻ từ 16 tuổi trở lên.

Phim kinh dị nổi tiếng của Mỹ Jaws (Hàm cá mập) từng gây sốt khi ngay trong suất chiếu đầu tiên, khán giả la hét, choáng váng, có người bỏ ra khỏi rạp, thậm chí nôn mửa khi xem cảnh cá mập khát máu. Phim còn có cảnh một bộ phận rời ra khỏi cơ thể người, song chỉ dán nhãn 16+ khi được đưa lên nền tảng Netflix.

Thêm bộ lọc giám sát

Dán nhãn phim trên nền tảng số: Không thể buông lỏng ảnh 2

Người xem cần nâng cao bộ lọc để tự bảo vệ mình.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, việc kiểm soát dán nhãn phim chiếu tại rạp hay trên truyền hình là khả thi. Tuy nhiên, với các nền tảng cung cấp phim trực tuyến, nền tảng trả tiền, điều này không dễ. Dán nhãn nhằm mục đích cảnh báo, hướng dẫn khán giả, nhưng cơ quan quản lý không thể nào kiểm soát hết được nền tảng dán nhãn có phù hợp không.

Các nền tảng phim trả tiền như Netflix có dán nhãn, phân loại độ tuổi khá đầy đủ cho người xem. Tuy nhiên, không có biện pháp nào để giám sát người xem theo đúng độ tuổi hay dán nhãn sát theo nội dung phim. “Việc dán nhãn là để cảnh báo, xem hay không dựa trên tinh thần tự nguyện của khán giả. Người xem vẫn phải tự bảo vệ mình. Vấn đề đặt ra hiện nay là thiếu cơ chế giám sát, dường như có tình trạng ngại chịu trách nhiệm vì các tiêu chí phân loại phim chưa rõ ràng. Chúng ta cần những người quản lý hiểu điện ảnh và việc phân loại hướng đến lợi ích của người xem”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, đơn vị cung cấp phim có trách nhiệm phải dán nhãn. Song cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm giám sát việc dán nhãn phim. “Phim ảnh hay bất cứ sản phẩm nào mang ra phục vụ xã hội đều cần có quy định và tiêu chuẩn riêng biệt để đảm bảo ở mức an toàn nhất cho những người sử dụng, tiếp cận. Nếu không dán nhãn, dán nhãn không đúng, không phù hợp với tiêu chí trong quy định có thể gây hại lớn hơn gấp trăm lần doanh thu của phim”, đạo diễn Lương Đình Dũng nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) khẳng định, quy định tiêu chí phân loại phim và hiển thị mức phân loại phim hướng tới mục tiêu bảo vệ trẻ em trước những tác động xấu, chi tiết mang tính kích động. Đây là những nỗ lực để bảo vệ trẻ trước sự tràn lan của các bộ phim chiếu mạng có nội dung không phù hợp lứa tuổi. Tuy nhiên, phân loại phim và hiển thị mức phân loại phim chỉ là bước đầu, phương án xa hơn là việc kiểm soát việc phân loại khán giả nếu không muốn dán nhãn chỉ là giải pháp mang tính hình thức.

Để tránh việc dán nhãn chưa chặt chẽ gây ảnh hưởng đến người xem, chuyên gia cho rằng, những tiêu chí về phân loại phim cần được lượng hoá một cách cụ thể. “Mức độ nhẹ, mức độ vừa phải được nêu trong thông tư cần được hiểu như thế nào? Thời lượng kéo dài là bao nhiêu phút? Tất cả quy định cần được lượng hóa cụ thể. Đối với thời lượng cần quy định cảnh có ảnh hưởng chiếm bao nhiêu phần trăm dung lượng phim. Nếu chỉ dựa trên mức độ nhẹ, mức độ vừa phải rất khó để phân loại phim chính xác”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.

Các chuyên gia cho rằng, cần thêm những biện pháp để giám sát việc dán nhãn phim và đặt nhiệm vụ bảo vệ người xem lên hàng đầu. Tiêu chí dán nhãn, phân loại phim trên nền tảng xuyên biên giới cũng phải phù hợp, tuân thủ quy định, văn hóa của từng quốc gia.

MỚI - NÓNG