Dán nhãn 18+ phim truyền hình, muộn hơn không

"Quỳnh búp bê" tạm dừng phát sóng chờ điều chỉnh
"Quỳnh búp bê" tạm dừng phát sóng chờ điều chỉnh
TPO - “Quỳnh búp bê” về đề tài gái mại dâm trước sức ép của dư luận được dán nhãn 18+. Câu chuyện dán nhãn phim truyền hình vốn là điều đương nhiên ở nhiều quốc gia, ở Việt Nam vẫn là điều mới mẻ và trong giai đoạn manh nha.

Trường hợp “Quỳnh búp bê”
“Quỳnh búp bê” khai thác góc khuất của gái làng chơi được Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) ấp ủ nhiều năm. Kịch bản do biên tập Kim Ngân và nhóm tác giả chấp bút được cho là gai góc, trực diện khai thác đời sống thực của giới mại dâm, buôn bán phụ nữ. Đạo diễn, NSƯT Mai Hồng Phong được giao thực hiện bộ phim này, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải đủ “điên và liều lĩnh”.

Cả giám đốc sản xuất Đỗ Thanh Hãi lẫn đạo diễn Mai Hồng Phong đều tự tin ở sản phẩm động chạm vào vấn đề dư luận quan tâm, hứa hẹn mang tới hai cực cảm xúc “phẫn nộ và xót xa”. Tuy nhiên ngay khi phim ra mắt, khán giả bắt đầu có những phản hồi về hình ảnh táo bạo ở những màn tra tấn dã man, những cảnh hở da thịt. Không phải khán giả lạc hậu tới mức không nhận ra phim về đề tài mại dâm phải cần “kín cổng cao tường”, vấn đề ở đây chính là sự lo ngại ảnh hưởng tới khán giả nhỏ tuổi.

Dán nhãn 18+ phim truyền hình, muộn hơn không ảnh 1 Hình ảnh táo gạo gây nghi ngại cho khán giả nhỏ khi phim được phát sóng khung giờ vàng 20h45 trên VTV1
Khung giờ phát sóng 20h45 của “Quỳnh búp bê” nhận được nhiều ý kiến phản ứng nhất. Phim có đề tài, hình ảnh không phù hợp với trẻ dưới 18 tuổi nhưng nhà đài quên cảnh báo khán giả. Mãi tới tập 5, 6 nhà đài mới thêm dòng cảnh báo: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem”. Việc dán nhãn khá muộn phim “Quỳnh búp bê” thực tế chưa phải giải pháp tốt nhất, cho nên nhà đài quyết định tạm dừng chiếu để điều chỉnh và lựa chọn khung giờ phát sóng phù hợp.

Muộn hơn không
“Chắc chắn chúng ta cần dán nhãn phim truyền hình. Cách đây không lâu chúng ta chính thức dán nhãn phim điện ảnh, một việc có thể xem là quá muộn so với thế giới nhưng có còn hơn không. Trong khi, truyền hình ở Việt Nam đang là kênh đại chúng, việc dán nhãn là cách để cho nhà sản xuất cân nhắc nội dung câu chuyện sẽ phù hợp với số đông hay số ít khán giả. Còn khán giả cũng cân nhắc nên hay không nên xem những bộ phim ấy”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phong Việt-người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình nói.

Dán nhãn 18+ phim truyền hình, muộn hơn không ảnh 2 "Quỳnh búp bê" không chỉ có hình ảnh táo bạo, phim khai thác câu chuyện về con người, những thân phận bị đưa đẩy vào chốn lầu xanh
Thực tế không phải “Quỳnh búp bê” là trường hợp đầu tiên, trước đó khán giả nhận thấy “Người phán xử” dù được tiết chế nhưng vẫn có nhiều hình ảnh và ngôn ngữ chưa phù hợp với khán giả đại trà. Năm 2012 VTV từng thừa nhận cần duyệt phim cẩn thận hơn sau khi bị khán giả phản ứng về cảnh ăn chơi của nhóm thanh niên trong phim “Hoa nắng”.

Phim truyền hình đương nhiên không thể dày đặc hình ảnh nhạy cảm, nên một số người băn khoăn về việc dán nhãn 18+ cho phim. “Chúng ta nên có những quy định rõ ràng về cảnh 18+ là như thế nào và thời lượng ra sao thì cần phải dán nhãn. Phim truyền hình bao giờ cũng có độ dài rất lớn, tôi tin là nhà sản xuất đủ thông minh để không vì một vài cảnh 18+ mà khiến cho bộ phim bị dán nhãn, họ hoàn toàn có thể có những phương án thay thế các cảnh quay ấy để có độ hợp lý tốt hơn khiến cho đối tượng khán giả của bộ phim cũng sẽ mở rộng hơn”, Nguyễn Phong Việt nói.

Kiểm soát thế nào?
Nhiều người cho rằng với những phim dán nhãn 18+ nên chiếu vào khung giờ muộn từ 22h trở đi. Tuy dán nhãn là điều cần, nên làm nhưng xa hơn là phương án kiểm soát việc phân loại khán giả.

Dán nhãn 18+ phim truyền hình, muộn hơn không ảnh 3 Cảnh báo 18+ chỉ là một trong số cách thức kiểm soát đối tượng khán giả

“Quan trọng là kiểm soát thế nào. Nếu chúng ta chiếu vào giờ muộn tức là thật muộn có thể giảm được đối tượng trẻ em xem phim, nhưng còn vấn đề phát trên mạng sẽ ra sao? Nếu không kiểm soát được thì dán nhãn nào cũng không có nhiều khác biệt”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Đạo diễn “Cha cõng con” băn khoăn không phải vô căn cứ, bởi với hệ thống phát hành rạp còn có công cụ kiểm soát, phim truyền hình kiểm soát khó hơn. “Vậy hãu đưa ra phương án kiểm soát trước khi thực hiện một kênh nào dành cho người lớn, bằng không việc dán nhãn có thể chỉ là hình thức”, Lương Đình Dũng nói.

Hệ thống phân loại và cảnh báo theo độ tuổi các chương trình truyền hình ở Pháp

Mỗi chương trình truyền hình phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt tại các đài dựa trên các nguyên tắc chung.

Các mức dán nhãn chương trình truyền hình bắt buộc là -10, -12, -16 và -18. Dán nhãn này xuất hiện trong suốt chương trình, chứ không chỉ có dòng cảnh báo ban đầu.

Mức -10 đối với chương trình chứa đựng hình ảnh có nguy cơ gây sốc đố với khán giả nhỏ hơn 10, nội dung đề cập cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới trẻ.

Nhãn -18: Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi cũng như chương trình có nội dung khiêu dâm hoặc rất bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần chỉ dành cho người lớn.

Chỉ một vài kênh thuê bao, kênh phim điện ảnh được phép chiếu nội dung này, tuy nhiên các kênh này phải có giải pháp đảm bảo khán giả dưới 18 tuổi không thể tiếp cận thông qua cài khoá chương trình, chỉ được phát sóng từ nửa đêm tới 5h sáng.

MỚI - NÓNG