TPO - Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) lấy ý kiến đóng góp cho xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi trong đó có nội dung bổ sung về dán nhãn phim thu hút ý kiến nhiều chiều.
Lấy ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá, trải qua 14 năm thi hành, Luật Điện ảnh tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về điện ảnh. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vè khai thác, phổ biến và sản xuất phim hiện ảnh phát triển quá nhanh bên cạnh cam kết với quốc tế, Luật Điện ảnh cần phải sửa đổi. Quốc hội và Chính phủ có Nghị quyết và Quyết định về việc xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi, Bộ VHTTDL có quyết định thành lập Ban Soạn thảo và Tổ biên tập. Tại hội nghị-Hội thảo sáng 9/12, Cục Điện ảnh đưa ra dự thảo lấy ý kiến đông đảo nhà quản lý, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi hiện gồm 8 chương, 44 điều. Một trong những điều được thảo luận nhiều thuộc chương IV Phổ biến phim. Cụ thể, Điều 27 Phân loại phim có thay đổi: Bên cạnh phim dán nhãn P dành cho phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng, Ban Soạn thảo đưa ra loại “PG” cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện có cha, mẹ đi hoặc người giám hộ đi cùng.
"Vợ Ba" phim C18 được cấp phép nhưng sau đó bị xử phạt vì chiếu phim khác với bản được thẩm định và cấp phép
Bên cạnh đó Ban Soạn thảo đề xuất dán nhãn C21 “Phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21”. Ngoài ra còn có loại C: Phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả. Đây là nội dung bổ sung so với Quy chế Thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim năm 2015. TS. Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho rằng, việc thêm phân loại PG là do chúng ta học kinh nghiệm các nước khác, để tạo điều kiện cho trẻ em dưới 13 tuổi không thiệt thòi. Đây cũng là sự tiếp thu của Ban Soạn thảo sau khi lắng nghe ý kiến của nhiều đơn vị phát hành. Tuy nhiên, ngay tại phiên thảo luận, một số ý kiến phản bác, cho rằng không cần thiết phải dán C21. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng giữa C18 và C21 khó phân định khi đưa vào áp dụng thực tế và đưa ra “chỉ tự làm khó mình”. Một số đại biểu khác cũng cho rằng, công dân từ 18 tuổi trở lên đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật, vì vậy chỉ cần dán nhãn C18 là đủ.