Lễ kỷ niệm ấm cúng diễn ra sáng 5/12 tại trụ sở NXB Kim Đồng, Hà Nội. Cùng ôn lại kỷ niệm với người hâm mộ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không thể thoát được nhiệm vụ miệt mài ngồi ký tặng sách ngay sau lễ sinh nhật Kính vạn hoa.
Tập đầu tiên Nhà ảo thuật trong bộ Kính vạn hoa ra mắt tháng 12 năm 1995, đánh dấu chặng đường 7 năm sáng tác 45 tập với hơn 7 nghìn trang sách. Bộ truyện dài hơi nhất của Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm từng khiến tác giả khổ sở nhất này đã qua 25 năm kiểm chứng. Thời gian đầu khi được đứng chung vào Tủ sách chọn lọc của NXB Kim Đồng, nhiều người lo ngại tác giả mới chưa đủ “tầm”, thế nhưng tới nay tác giả và tác phẩm khẳng định quyết định khi ấy đúng đắn.
“Kính vạn hoa là cuốn sách làm nên kỷ lục, chưa có tác phẩm nào đạt ngay 1 triệu bản ngay lần in đầu tiên. Tới nay tác phẩm bảy lần khoác áo mới với bảy ấn bản khác nhau, từng được dựng phim truyền hình và có lẽ sắp tới là phiên bản điện ảnh. Kính vạn hoa dù không còn là tác phẩm rất “hot” nhưng hằng năm chúng tôi vẫn tái bản phục vụ bạn đọc. Điều đó chứng tỏ sức sống bền bỉ, chỗ đứng của tác phẩm trong lòng bạn đọc”, ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc NXB Kim Đồng nói.
Bộ truyện dài dự định khép lại ở tập thứ 45 vào năm 2002, tuy nhiên do sự mong mỏi và tình cảm của độc giả nên NXB Kim Đồng in thêm Còn chút gì để nhớ tập hợp ý kiến, tranh vẽ của độc giả. Năm năm sau đó trước tình cảm nồng nhiệt của độc giả, Nguyễn Nhật Ánh lại cầm bút viết thêm chín tập nữa trong suốt ba năm. Tới năm 2009, Kính vạn hoa đã đi đến tập thứ 54.
Nhà văn Lê Phương Liên, người đồng hành với Nguyễn Nhật Ánh với vai trò biên tập trong suốt hành trình 25 năm Kính vạn hoa rưng rưng nhớ tới hoàn cảnh ra đời đặc biệt. “Sau thành công của bộ sách Doraemon, tất cả từ nhà xuất bản, người viết và độc giả đều mong ước có bộ sách Việt Nam do tác giả Việt Nam sáng tác để thu hút độc giả trong nước và cân bằng lại với dòng sách dịch”.
Ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc NXB Kim Đồng thời ấy quyết đi tìm một tác giả gánh vác trọng trách này, chọn mặt gửi vàng ở Nguyễn Nhật Ánh-tác giả trẻ đầy triển vọng và tài năng. Nhà văn Lê Phương Liên được giao nhiệm vụ liên lạc tới gặp mặt và mời tác giả cộng tác. Ngay khi nhận bản thảo của 5 tập đầu tiên, Lê Phương Liên kinh ngạc bởi tác giả gửi bản thảo đánh máy trong khi ấy tất cả các nhà văn ngoài Bắc đều viết tay. “Dù từng đọc anh Ánh viết trước đó, nhưng khi đọc Kính vạn hoa tôi thấy cách viết của anh Ánh đổi mới hơn nhiều”, Lê Phương Liên nói.