Dân chung cư bị chèn ép vì không có ban quản trị

Tòa nhà 25T1 Trung Hòa - Nhân Chính nhiều năm qua chưa có Ban quản trị. Ảnh: Minh Tuấn
Tòa nhà 25T1 Trung Hòa - Nhân Chính nhiều năm qua chưa có Ban quản trị. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Sở Xây dựng TP Hà Nội thừa nhận, đến nay toàn thành phố mới thành lập được 79 Ban quản trị nhà chung cư hoặc cụm nhà chung cư, đang quản lý 95 trong tổng số 478 tòa nhà cao tầng. Hàng vạn hộ dân đang không có người đại diện cho mình, khốn khổ vì bị chủ đầu tư chèn ép, xâm phạm quyền lợi...

Dân khốn khổ vì thiếu Ban quản trị

Theo khảo sát của phóng viên trên địa bàn các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy… hàng loạt khu chung cư cao tầng từ hạng sang đến bình dân dù đưa vào sử dụng từ lâu nhưng đến nay vẫn không thành lập được ban quản trị của tòa nhà. 

Đơn cử, được đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng đến nay 2 tòa nhà chung cư NC1 và NC2 khu đô thị La Khê (quận Hà Đông) do Cty Cổ phần Coma 18 thuộc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư vẫn chưa thể thành lập được Ban quản trị. Nguyên nhân là giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các hộ dân sống trong 2 tòa nhà này không tìm được tiếng nói chung. 

“Khu chung cư M3, M4 đưa vào khai thác từ cuối năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có ban quản trị. Nhiều hạng mục hạ tầng của khu ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn thư kiến nghị về vấn đề này nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện”.

Ông Trần Ngọc Long

Do không có Ban quản trị nên nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống của các hộ dân ở tòa nhà không có tổ chức đứng ra bảo vệ. “Mấy năm nay do không thành lập được Ban quản trị nên không thống nhất được phí dịch vụ. Từ đó xảy ra những khúc mắc, bức xúc của các hộ dân. Mâu thuẫn được đẩy lên cao khi người dân luôn phải sống trong cảnh bị chủ đầu tư dọa cắt điện, cắt nước”, ông Nguyễn Văn Hải cư dân khu chung cư NC1 cho biết. 

Theo đại diện UBND phường La Khê, trước thực trạng trên, UBND quận Hà Đông đã đứng ra chủ trì nhiều cuộc họp làm việc giữa các bên để giải quyết dứt điểm vấn đề thành lập Ban quản trị tại 2 tòa nhà NC1, NC2 La Khê. Đến ngày 22/6 vừa qua, Hội nghị thành lập Ban quản trị nhà chung cư NC1, NC2 La Khê đã được tổ chức. 

Ngay cả những khu chung cư được mệnh danh là cao cấp, có vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm thành phố như khu chung cư M3, M4, M5 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) đưa vào sử dụng gần 10 năm, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân vẫn mỏi mòn chờ đợi việc thành lập Ban quản trị. 

Ông Trần Ngọc Long - Trưởng Ban đại diện dân cư chung cư M3, M4 cho biết: “Khu chung cư M3, M4 đưa vào khai thác từ cuối năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có Ban quản trị. Nhiều hạng mục hạ tầng của khu ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn thư kiến nghị về vấn đề này nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện”. 

Hàng loạt các tòa nhà khu vực Trung Hòa-Nhân Chính cũng chưa có Ban quản trị, khiến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của hàng ngàn hộ dân vì thế cũng bị ảnh hưởng. Từ phí dịch vụ, quản lý vận hành tòa nhà, an ninh trật tự, nơi đỗ xe… thường xuyên xảy ra tranh chấp, khiếu nại. 

Cùng chung tình trạng, khu chung cư cao cấp M5 tại 91 Nguyễn Chí Thanh được Cty đầu tư xây lắp và phát triển nhà (Văn phòng Thành ủy Hà Nội) đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2009. Mặc dù đã đưa vào sử dụng hơn 4 năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức hội nghị bầu Ban quản trị. 

Quận, huyện bê trễ

Theo quy định tại Quyết định 01/2013 của UBND thành phố Hà Nội, Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, quy trình thành lập Ban quản trị gồm: Tổ chức Hội nghị nhà chung cư; bầu Ban quản trị và công nhận Ban quản trị. Trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thuộc chủ đầu tư. Khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy hàng loạt tranh chấp trong quản lý, vận hành nhà chung cư gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền thường hết sức chậm trễ. Nhiều phường, xã, quận huyện gần như đứng ngoài cuộc trước những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để xảy ra tình trạng này là do các chủ đầu tư chậm triển khai tổ chức hội nghị nhà chung cư và việc chậm kiểm tra, đôn đốc của UBND các quận, huyện, phường xã. UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các nhà chung cư, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc không thành lập Ban quản trị, báo cáo kết quả về UBND thành phố trong quý IV/2014.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường hướng dẫn UBND các quận, huyện trong việc thành lập Ban quản trị; phối hợp giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư như việc phân định sở hữu chung, riêng, nơi đỗ xe, sử dụng quỹ bảo trì…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.