Đắk Nông có ông... mõ làng!

Ông “mõ làng” đi thông báo
Ông “mõ làng” đi thông báo
TP - Giữa thời hiện đại, trên cao nguyên Đắk Nông lại có một ông “mõ làng” hằng ngày mang loa phóng thanh đi khắp ngõ ngách tuyên truyền các vấn đề ở địa phương, phổ biến chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với dân.

Nghề "không đụng hàng"

Về thị trấn Đắk Mil hỏi ông Kỳ “mõ làng” ở tổ dân phố 1 ai cũng biết và nhắc đến ông một cách trìu mến. Thời buổi công nghệ hiện đại, internet và ti vi đã được dùng phổ biến ở mọi nhà, cách truyền tin cổ lỗ sĩ của ông Kỳ hóa ra lại khiến mọi người thích thú, trân trọng.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông Kỳ rời quê hương Bình Định đưa vợ con lên Đắk Nông sinh sống bằng nghề làm bánh tráng. Năm 2002, ông Kỳ được bầu làm Tổ phó Tổ dân phố 1, nhận việc viết giấy mời, đưa thông tin, thông báo tới người dân trên địa bàn.

“Thời gian đầu đi loa, mọi người tưởng tôi đi bán kẹo kéo, mua đồng nát hay quảng cáo gì nên chẳng ai để ý, chỉ có trẻ con thấy lạ chạy theo xe, reo hò. Nhưng bây giờ mỗi khi nghe tiếng loa của tôi mọi người tắt ti vi, tắt nhạc để cùng lắng nghe ! ”.

Ông Kỳ

Mặc dù giấy mời họp được trao tận tay người dân song vẫn rất ít người đến dự. Việc triển khai các hoạt động bị chậm trễ, chỉ thị, chính sách dân không nắm bắt được, thực hiện đầy đủ.

Cái khó ló cái khôn, ông Kỳ bèn mang bộ amply của nhà chằng phía sau chiếc xe 67 cũ, phía trước gắn loa phóng thanh cùng chiếc micro rong ruổi khắp ngõ ngách trong khu phố thông báo sau khi đã gửi giấy mời.

“Thời gian đầu đi loa, mọi người tưởng tôi đi bán kẹo kéo, mua đồng nát hay quảng cáo gì nên chẳng ai để ý, chỉ có trẻ con thấy lạ chạy theo xe, reo hò. Nhưng bây giờ mỗi khi nghe tiếng loa của tôi mọi người tắt ti vi, tắt nhạc để cùng lắng nghe ! ”- ông Kỳ vui vẻ nói.

Để người dân chú ý, ông Kỳ tải nhạc vào điện thoại và lồng ghép sau khi đọc văn bản, lựa chọn nhạc phẩm phù hợp theo từng nội dung tuyên truyền. Các văn bản, hướng dẫn đều được ông Kỳ soạn thảo bài bản, tìm hiểu nhiều tài liệu, diễn đạt bằng ngôn ngữ đời thường, vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu. “Tôi thường đọc thuộc nội dung và truyền đạt như mình đang nói chuyện mọi người sẽ dễ nghe hơn”.

Ông Nguyễn Tiến Nuôi 60 tuổi, người dân tổ dân phố 1 tâm đắc: “Nhờ cái loa ông Kỳ mà người dân chúng tôi biết mọi hoạt động để kịp thời tham gia. Dịch sốt xuất huyết hồi tháng 6 – 7 vừa qua, vừa nghe ông Kỳ đọc thông báo, tất cả bà con trong tổ dân phố đi quét dọn, tổng vệ sinh, chỉ trong 30 phút đường phố đã sạch sẽ !”.

Đam mê

Tỉnh Đắk Nông sẽ kỷ niệm tròn 10 năm thành lập vào ngày 31/12/2013, thì cũng gần chừng ấy thời gian ông Võ Quốc Kỳ liên tục làm “mõ làng”. Người đàn ông nay đã 59 tuổi này đã góp công đáng kể cho việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, tăng thêm sự kết nối giữa chính quyền và người dân.

Ngoài những thông báo, ông Kỳ còn kiêm luôn nhiệm vụ tuyên truyền những kiến thức về bảo vệ môi trường, dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự… Những ngày chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, dịch bệnh gia súc, gia cầm ông không có thời gian để nghỉ.

“Mỗi ngày tôi chạy mấy vòng, nhiều khi phải nhịn ăn để làm. Còn sức ngày nào tôi làm ngày đó, chỉ khi chân không bước, miệng không nói được tôi mới thôi làm”, ông Kỳ chia sẻ. Ông còn thường xuyên lên mạng internet, xem ti vi tìm hiểu cách làm hay để áp dụng tại địa phương sao cho việc tuyên truyền phát huy hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Lanh-vợ ông Kỳ- kể: “Thời gian đầu, ông Kỳ vác loa vừa đi vừa nói khắp ngõ trên, ngõ dưới đau rát cổ họng mà chẳng ai để ý tôi bực mình lắm. Giờ thì ai nấy quen rồi. Thấy chồng mê nghề quá tôi đành thuận theo thôi”.

Tiền phụ cấp được 450.000đồng/tháng chẳng đủ tiền xăng xe. Ấy vậy mà, nắng cũng như mưa, có thông tin gì mới, cần thiết cho người dân là ông Kỳ lại hối hả lên đường.

Ông Mai Đình Hoa, tổ trưởng tổ dân phố 1 cho biết: Tổ có hơn 200 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu gồm nhiều thành phần, nhiều đồng bào các dân tộc nên việc tuyên truyền không dễ. Nhờ có cái loa của ông Kỳ mà mọi việc thông suốt dễ dàng hơn!

MỚI - NÓNG