Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng thường được đồng nghiệp, bạn đọc biết đến với bút danh Thăng Sắc. Ông là người dành trọn cả cuộc đời cho công tác ngoại giao. Trở lại với văn chương lần này, ông mang đến bút ký Chuyện kể của một đại sứ (NXB Hội Nhà Văn và CTCP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành).
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà thơ tề tựu tại buổi ra mắt sách Chuyện kể của một đại sứ diễn ra vào ngày 28/6 tại Hội Nhà văn Việt Nam để chúc mừng, chung vui cùng nhà văn Nguyễn Chiến Thắng.
Cuốn sách là ký ức của tác giả về những câu chuyện khi ông còn là Đại sứ các nước Pháp, Algeria và Campuchia. Chuyện kể của một đại sứ cho thấy phần nào cuộc đời, sự nghiệp, vai trò của một đại sứ - người đại diện cho quốc gia, dân tộc ở trên phương diện đối ngoại.
Chuyện kể của một đại sứ ghi lại những ký ức, kỷ niệm của tác giả Nguyễn Chiến Thắng khi là đại sứ các nước Pháp, Algeria và Campuchia. |
Câu chuyện của ông được thể hiện tinh tế, sâu sắc và giàu cảm xúc. Tác giả của cuốn sách là một người làm chính trị nhưng lại ít màu sắc chính trị mà đầy ắp những sắc màu, không gian văn hoá, nhân văn, những chân dung đáng kính, đáng mến, đáng ngưỡng mộ.
"Điều quan trọng nhất xuyên suốt các câu chuyện mang tính chính trị, ngoại giao hoặc một bí mật không thể nói ra... là những tầng văn hóa của mỗi vùng đất mà Đại sứ, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng đi qua. Tình yêu cũng là chất liệu phủ lên toàn tác phẩm", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.
Lễ ra mắt sách được tổ chức sáng ngày 28/6 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. |
Nhà văn Đỗ Bích Thuý cho rằng cuốn sách của Đại sứ, nhà văn Nguyễn Chiến Thắng mang văn phong giản dị, thong thả, với cái nhìn nhân hậu, ấm áp, giàu tình người của một người làm chính trị. Công tác ngoại giao qua các trang sách của ông toát sự ngột ngạt nhưng lại có chút khôi hài, lạc quan.
"Tôi cảm thấy sự ngột ngạt khi ông buộc phải mặc áo đuôi tôm trình quốc thư. Tuy nhiên, ngay trong cái sự ngột ngạt ấy lại cũng có lúc ông bật cười trong lòng vì trông người ta trong trang phục cầu kỳ lại có chút gì khôi hài quá. Cuốn sách này được viết giống như là ông lôi các câu chuyện trong túi áo ra vậy. Rất giản dị nhưng cuốn hút", nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận định.
Tác giả Nguyễn Chiến Thắng và vợ. |
Chuyện kể của một đại sứ mở ra thế giới mới về ngoại giao - lĩnh vực rất ít người viết. Không phải câu chuyện không hay, không có gì để kể mà vì ngoại giao là lĩnh vực không phải muốn viết gì cũng được. "Cuốn sách là sự mở đầu cho các tác phẩm viết về lĩnh vực ngoại giao. Chuyện kể của một đại sứ được xuất bản tạo động lực cho các nhà ngoại giao khác kể câu chuyện về lĩnh vực đặc thù này", nhà thơ Hữu Việt nói.
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng viết tiểu thuyết, truyện ngắn, ghi chép, bút ký như tiểu thuyết Ngụ cư, Chú Tư, con là ai, Láng giềng, Đi trong lốc xoáy... truyện ngắn Chớp mắt cùng số phận, bút ký Chuyện nghề, chuyện nghiệp ngoại giao .
Sau nhiều năm cầm bút, ông thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết. Ông viết một cách sâu sắc và trực diện vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội: đô thị hoá nông thôn, sự tha hoá của con người trước đồng tiền, những cơn “lốc xoáy” dữ dội đã cuốn người ta đi về nhiều hướng một cách mất kiểm soát, vùng đất, vùng văn hoá mà ông đặc biệt gắn bó trong cuộc đời làm ngoại giao của mình - Campuchia.
Ngoại giao là ngành nghề khá nhạy cảm nên dù muốn viết về lĩnh vực này đã lâu nhưng đến nay Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng mới có thể viết và xuất bản cuốn sách này.
Ông khẳng định mỗi câu chuyện về ngoại giao đều liên quan đến người thật, việc thật, liên quan trực tiếp đến đất nước, quốc gia nên rất khó đặt bút.
"Có thể viết tổng kết, nghiên cứu nhưng tất cả đều mang tính nội bộ ngành. Để viết thành thể loại văn học ngoài nhà văn Hồ Anh Thái ra, chưa ai dám đụng vào. Tôi viết và xuất bản sách là liều nhưng tôi nêu trong sách rằng chuyện tôi viết không liên quan đến việc tổng kết, đúc kết, đánh giá công việc. Đây hoàn toàn là ký ức, kỷ niệm để tri ân đối với con người, đất nước mà tôi đã gặp, đã đến", tác giả Nguyễn Chiến Thắng bộc bạch.
Chuyện kể của một đại sứ tiếp tục giữ văn phong lối tư duy, tình cảm đậm chất riêng. Ông có viết về ai, ở đâu, với những khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, thể chế chính trị, người đọc sẽ bị dẫn dắt chạm tới những nhân vật một cách tự nhiên và hồn hậu nhất.
Cùng với 2.000 bản in thường, cuốn Chuyện kể của một đại sứ có 100 bản đặc biệt in trên giấy mỹ thuật kèm 12 bức minh họa được họa sĩ Phạm Hà Hải vẽ trên giấy dó như một món quà tác giả Nguyễn Chiến Thắng dành tặng cho những độc giả luôn yêu mến từ khi ông dùng bút danh Thăng Sắc.