Theo yêu cầu của các nước thành viên, ngày 4/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) triệu tập cuộc họp khẩn cấp bàn về vụ thử hạt nhân mới và mạnh nhất vào một ngày trước đó của Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cáo buộc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang “cầu xin chiến tranh” sau loạt vụ phóng tên lửa và gần đây nhất là vụ thử nghiệm bom H gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trưa ngày 3/9, cũng như các động thái tên lửa và hạt nhân tiềm năng khác.
Bà Haley kêu gọi 15 nước thành viên của UNSC áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất có thể để ngăn cản ông Kim.
“Chiến tranh không bao giờ là điều mà Mỹ mong muốn. Chúng tôi không hề muốn nó xảy ra ở hiện tại. Nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ và đồng minh của chúng tôi”, Reuters dẫn lời bà Haley.
Nữ đại sứ nói thêm, Washington sẽ điều tra rõ các quốc gia đang viện trợ cho những kế hoạch hạt nhân nguy hiểm và liều lĩnh của Bình Nhưỡng, đồng thời cam kết sẽ đề xuất nghị quyết mới của UNSC trừng phạt Triều Tiên trong tuần này để kịp bỏ phiếu vào đầu tuần sau.
Về phía Trung Quốc, Đại sứ Liu Jieyi kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động “sai trái” và không phải vì quyền lợi quốc gia chính đáng. “Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép hỗn loạn và chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Liu nhấn mạnh.
Trong khi, đại sứ Nga Vassily Nebenzia cảnh báo, hòa bình trong khu vực đang gặp nguy hiểm và nhắc lại quan điểm, các biện pháp trừng phạt áp lên chính quyền Kim Jong-un sẽ không giúp giải quyết vấn đề.
Trong bối cảnh hiện tại, khi căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên đang ở mức đỉnh điểm, Hàn Quốc và Mỹ không loại trừ biện pháp quân sự hoặc chế tài cứng rắn chống lại Triều Tiên.
Cụ thể, một ngày sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, Seoul tiến hành tập trận bắn đạn thật liên quan đến tên lửa đạn đạo đất đối đất Huynmoo, được nước này phát triển với mục đích chính là đối phó “người hàng xóm kích động”, và máy bay chiến đấu F-15K.
Được biết, các mục tiêu của Huynmoo ở ngoài khơi bờ biển phía đông Hàn Quốc, mô phỏng cuộc tấn công vào ở xa, cụ thể là vào khu vực thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên Punggye-ri.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc tiết lộ, đang nói chuyện với Washington về việc triển khai các tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến khu vực.
Việc triển khai các bệ phóng còn lại của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cũng sẽ được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đẩy nhanh sau khi hoàn thành đánh giá tác động môi trường.
Trong khi, Mỹ đe dọa sẽ không hợp tác thương mại với bất kỳ quốc gia nào qua lại với Bình Nhưỡng.
Ngược lại, cả Nga và Trung Quốc lại có quan điểm ngược lại. Dù trong cuộc họp Hội đồng Bảo an, hai nước này không đề cập đến quan điểm phản đối của họ với THAAD hay các lệnh trừng phạt mới của LHQ sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, nhưng các tuyên bố trước đó đều cho thấy, họ chỉ ủng hộ giải quyết căng thẳng trên cơ sở ngoại giao và cho rằng THAAD hay các lệnh trừng phạt đều không mang lại kết quả gì.
Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố trước các phóng viên tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Trung Quốc, chỉ có đối thoại hòa bình mới giải quyết dứt điểm được vấn đề Triều Tiên