Những thông tin trái chiều về bom H của Triều Tiên
Ngày 3/9, Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên (KCTV) tuyên bố nước này đã thử một quả bom H có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Trong đó, KCTV nhấn mạnh: "Cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn", là bước tiến "đầy ý nghĩa" trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng tuyên bố nước này đã sản xuất được một loại bom H có thể gắn vào ICBM. Trong đó KCNA khẳng định sức mạnh của quả bom H mà Triều Tiên chế tạo có thể lên tới hàng trăm kiloton và có khả năng kích nổ ở độ cao lớn. “Loại bom H này có thể được kích nổ ở độ cao lớn để tạo ra những vụ tấn công bằng xung điện từ (EMP) vô cùng nguy hiểm”, KCNA cho biết thêm.
Trong khi đó, các chuyên gia và cơ quan chính phủ của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã đưa ra những đánh giá khác nhau về sức mạnh của thiết bị mà Triều Tiên tuyên bố là bom H.
Theo Cơ quan Động đất Trung Quốc và Cơ quan Địa lý Mỹ, dựa trên cường độ của vụ nổ, sức công phá của thiết bị này có thể dễ dàng vượt mức 100 kiloton, cho thấy nhiều khả năng một quả bom H mạnh hơn nhiều đã được thử nghiệm.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết trận động đất được cho là do một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên mạnh hơn ít nhất 10 lần so với lần Bình Nhưỡng cho nổ một quả bom nguyên tử cách đây một năm. Các chuyên gia ước tính vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên có sức công phá khoảng 10 kiloton.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc Kim Young-woo cho biết nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản.
Một quan chức giấu tên của chính phủ Hàn Quốc tiết lộ, công suất của vụ thử hôm Chủ nhật ước tính khoảng 50 kiloton, tương đương với 50.000 tấn thuốc nổ TNT.
So với bom A, bom H có độ nguy hiểm và sức công phá rất lớn. Nó có uy lực mạnh gấp ngàn lần bom A, có thể được kích nổ ở độ cao cực lớn, tạo ra một vụ tấn công xung điện từ đầy uy lực. Trong khi đó, quả bom A Little Boy được Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945 có sức công phá chỉ khoảng 13 kiloton.
Khác với bom A tạo năng lượng từ phản ứng phân hạch, bom H sản sinh năng lượng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân (phản ứng hợp hạch).
Bom H được cho là có sức công phá từ 10 tới hàng trăm kilotons (tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), lớn gấp 1.000 lần so với bom A.
Tại sao lại gắn bom H vào ICBM?
Theo các chuyên gia phân tích, với việc gắn bom H vào tên lửa ICBM của Triều Tiên đã đẩy Mỹ vào thế “khó có thể” sử dụng phương án can thiệp quân sự. Bằng cách này, ông Kim Jong-un có thể sử dụng sức mạnh hủy diệt khủng khiếp của loại vũ khí này để bù lại cho những khiếm khuyết tại các lĩnh vực phát triển tên lửa khác.
Thực tế, trước khi tuyên bố “thử thành công mỹ mãn” bom H, Bình Nhưỡng đã phát đi hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un và một số quan chức đứng xung quanh một vật giống như mô hình của một thiết bị hạt nhân được thu nhỏ tương đương với một quả bom H.
Với việc tuyên bố có thể điều chỉnh được sức công phá của bom H, hoặc có thể lập trình trước để phá nổ ở những mức công phá khác nhau, Bình Nhưỡng muốn ngụ ý rằng có thể sản xuất được loại vũ khí có nhiều chức năng, và họ có thể thử nghiệm quả bom có sức công phá mạnh hơn nhiều.
Ngược lại, Washington luôn khẳng định việc Triều Tiên phát triển ICBM là điều không thể chấp nhận được do nguy cơ phổ biến hạt nhân. Và trong tình huống như vậy, Mỹ sẽ phải dùng đến hành động quân sự phủ đầu để giải giáp Triều Tiên. Tuy nhiên, Mỹ không còn nhiều thời gian để tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu như vậy.
Đặc biệt, một ICBM được trang bị đầu đạn hạt nhân nhiệt hạch không nhất thiết phải có độ chính xác chính xác hay có công nghệ quay trở lại khí quyền thì mới trở thành một mối đe dọa, do đó Triều Tiên có thể dựa vào sức mạnh hủy diệt của loại vũ khí này để bù lại cho những khiếm khuyết tại các lĩnh vực phát triển tên lửa khác.
Ngay cả một vụ nổ ở trên cao cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nước Mỹ trên diện rộng. Vụ thử mới nhất của Triều Tiên, nhất là khi nó được xác nhận là một vụ nổ bom H, có thể làm tăng khả năng của Triều Tiên trong việc đánh chặn hành động quân sự của Mỹ và đồng minh .
Mặt khác, sự “rạn nứt” trong quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn sau vụ thử bom H của Triều Tiên đã phần nào nói lên nước cờ cao tay của ông Kim Jong-un. Thật vậy, trong khi các quan chức an ninh Mỹ và Hàn Quốc đã điện đàm với nhau, song có tin ông Trump gọi cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, chứ không phải Tổng thống Hàn Quốc. Triều Tiên có thể khai thác căng thẳng giữa hai đồng minh này, và làm nổi rõ những quan ngại tại Seoul rằng có thể Mỹ rốt cuộc sẽ theo đuổi chủ trương can thiệp quân sự, bất chấp sự phản đối của Hàn Quốc.
Ngoài ra, các chuyên gia về bán đảo Triều Tiên cũng nhận định, ông Kim Jong-un đã tính toán kỹ lưỡng thời gian cho vụ thử bom H. Việc Triều Tiên thử bom H đúng vào ngày diễn ra lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) là nhằm thử khả năng của Trung Quốc trong việc chuẩn bị tiến hành các hành động quyết liệt như việc cung cấp dầu cho Triều Tiên.