Theo Đại sứ Kritenbrink, trong những lĩnh vực cơ bản, quan điểm của hai nước phần lớn là tương đồng. “Hai bên có chung tầm nhìn chiến lược về hình thái khu vực và thế giới. Chúng ta sẽ tiếp tục giải quyết những khác biệt một cách có trách nhiệm”, ông nói. Ông nhận định, Mỹ được biết đến ở Việt Nam nhiều hơn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. “Tôi nghĩ rằng, những năm sắp tới đây sẽ còn tốt hơn cho quan hệ đối tác Việt-Mỹ. Chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy những phát triển lớn, nhất là khi Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh ưu tiên phát triển quan hệ với các đồng minh và đối tác. Tôi vô cùng lạc quan về tương lai hai nước”, ông nói. Theo ông, các quan chức Mỹ và Việt Nam đã rất cởi mở và thành thật với nhau.
Đại sứ Kritenbrink nói: “Hai bên rất tôn trọng nhau, nỗ lực thúc đẩy mục tiêu chung và giải quyết những khác biệt. Trải qua lịch sử, chúng tôi hiểu rằng, Mỹ và Việt Nam không ép buộc bên kia làm gì mà họ không muốn”. Ông kể, khi nói với bạn bè Mỹ về các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông thường dùng 3 từ: chiến lược, thực tế và có khả năng. “Tôi nghĩ đây là lý do quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và thành công như vậy”, ông nói.
Hiện chưa có thông tin chính thức về người sẽ kế nhiệm ông Daniel Kritenbrink làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Một ứng viên đang nổi lên là ông Marc Knapper, người từng trải qua nhiều vị trí trong các phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Tokyo, Seoul, Hà Nội và Baghdad. Để chính thức trở thành đại sứ, ông Knapper cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Về cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay, Đại sứ Kritenbrink nói rằng, một số người đề cập chuyện chọn bên này hay bên kia, giữa Mỹ và nước nào đó, nhưng Mỹ không đòi hỏi điều đó. “Các nước có quyền quyết định chính sách của mình mà không bị ai ép buộc hay đe dọa”, ông nói. Ông tin rằng, quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển theo phương thức và tốc độ mà hai bên đều cảm thấy thoải mái, và hai bên sẽ chọn cùng nhau làm điều đó một cách tự do.
Về vai trò của Việt Nam trong điều phối và dẫn dắt các vấn đề quốc tế, Đại sứ Mỹ cho biết, ông rất kỳ vọng vào vai trò của Việt Nam. Ông nhận định, Việt Nam có năng lực, có thể trở thành nhà lãnh đạo tự nhiên trong khu vực. Sự kỳ vọng vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt từ phía Mỹ, nhất là khi Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông nói.
Quan điểm nhất quán về Biển Ðông
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử Đại sứ Kritenbrink làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, khu vực mà Washington đang nỗ lực củng cố các quan hệ đồng minh và đối tác để thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Tôi không thể quên những chuyến công tác lên Lào Cai, Hà Giang, đến Hạ Long, Ninh Bình và xuống tận Cần Thơ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam không chỉ là một đất nước xinh đẹp mà con người Việt Nam cũng xinh đẹp và tốt bụng. Bất cứ khi nào tôi đi bộ ở phố cổ, hồ Hoàn Kiếm hay ngồi trong ô tô đi quanh Hà Nội, tôi luôn thấy nhiều người Việt Nam ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu xanh uống cafe, ăn uống và nói chuyện. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh tượng đó. Việt Nam là một nơi rất đặc biệt trong trái tim tôi”
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink
Trước câu hỏi của phóng viên rằng kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ được áp dụng như thế nào trong xử lý vấn đề Biển Đông khi đảm trách vị trí mới, Đại sứ Kritenbrink khẳng định, Mỹ có sự nhất quán trong quan điểm về Biển Đông. Đó là Mỹ ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp, dựa trên luật pháp quốc tế; các yêu sách cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế. Mỹ tiếp tục tin tưởng vào quyền tự do đi lại, tự do bay ở Biển Đông. Mỹ luôn sát cánh với các đối tác và đồng minh trong xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Mỹ tiếp tục phản đối yêu sách và hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông như trong tuyên bố đưa ra ngày 30/7/2020. Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016.
Ông cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tích cực nâng cao năng lực trên biển cho các nước Đông Nam Á. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường và thực thi năng lực của mình để cho thấy Mỹ có thể hoạt động, đến bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép và các nước khác trên thế giới cũng có quyền làm như vậy.