TS Nguyễn Phương, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, hiện đề án tuyển sinh 2015 của trường đang trong giai đoạn hoàn thiện và lấy ý kiến giảng viên.
Theo TS Phương, do kỳ thi quốc gia sắp tới chưa chọn lựa phương án 1, 2 hay 3 nên các thí sinh đăng ký vào trường cần qua bước sơ tuyển dựa vào kết quả thi quốc gia của 2 môn thi Toán và Ngữ văn (trong ba phương án đều có môn Toán và Ngữ văn). Việc đăng ký sơ tuyển sẽ diễn ra trên trang tuyển sinh của trường.
Sau khi sơ tuyển, trường xét tiếp các môn Lý, Anh văn, Hóa, hoặc thi thêm môn Vẽ ở ngành nghệ thuật…
Ngoài ra, trong đề án tuyển sinh riêng, ngoài các em đoạt giải quốc gia, giải các kỳ thi khoa học kỹ thuật sẽ được tuyển thẳng (không phải thi), trường còn tuyển thẳng thêm nhiều đối tượng khác.
Cụ thể như tuyển thẳng tất cả các học sinh trường chuyên (Toán, Lý, Hóa, Anh văn) có điểm học bạ 5 học kỳ của các môn trên 6,5; các em đạt điểm SAT (kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Hoa Kỳ) từ 1000 trở lên; tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) loại giỏi (kỳ thi năm 2015); tuyển thẳng vào ngành tiếng Anh các em có IELTS được 6,5 trở lên hoặc tương đương, nếu điểm học bạ môn Toán và Văn trên 5,5 hoặc đã qua vòng sơ tuyển của trường theo kỳ thi quốc gia.
Trong đề án tuyển sinh riêng của mình, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đưa ra phương án tuyển sinh hệ ĐH chính quy bằng cách kết hợp hình thức xét tuyển từ kết quả tốt nghiệp THPT và kết quả của kỳ thi chung theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, để tham gia xét tuyển theo đề án này, thí sinh phải đạt các tiêu chí cụ thể gồm: Thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; hạnh kiểm được xếp loại khá trở lên ở các năm học THPT; điểm trung bình của 3 môn theo khối thi của ngành đăng ký xét tuyển trong 5 học kỳ gồm: Học kỳ 1 và học kỳ 2 lớp 10; học kỳ 1 và 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 (gọi là điểm M1) phải đạt 5,5 điểm trở lên; có kết quả kỳ thi chung theo quy định của Bộ GD&ĐT từ mức điểm cơ bản (điểm M2) trở lên (mức điểm cơ bản của trường căn cứ vào mức quy định của Bộ GD&ĐT).
Khi đạt 4 tiêu chí trên, thí sinh sẽ được tham gia xét tuyển dựa trên công thức: Điểm trúng tuyển = (M1 + M2)*N + Điểm ưu tiên. Trong đó: N là hệ số điều chỉnh theo số lượng môn yêu cầu (số môn theo khối thi) theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điểm ưu tiên được tính theo quy định trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy hiện hành.
“Thí sinh trúng tuyển sẽ được lấy điểm từ cao xuống đến hết chỉ tiêu, phạm vi tuyển sinh trong cả nước”, thạc sĩ Sơn nói.
Đa dạng phương án
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Luật TPHCM cho biết, trong đề án tuyển sinh riêng vừa công bố, trường đưa ra 4 phương án.
Cụ thể, đối với phương án 1, nếu Bộ GD&ĐT chỉ xét tốt nghiệp THPT mà không tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, trường ĐH Luật TPHCM sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh kết hợp sơ tuyển và thi tuyển. Điểm sơ tuyển dựa trên tổng điểm 3 môn thuộc khối thi 5 học kỳ THPT (6 học kỳ với học sinh tốt nghiệp THPT năm trước), điểm xét sẽ không cao hơn 21 điểm trong đó không có điểm môn nào dưới 6.
Đối với phương án 2, Bộ GD&ĐT chỉ xét công nhận tốt nghiệp THPT, trường sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh ghi danh xét tuyển và sàng lọc người học trong quá trình sinh viên học tập tại trường, đảm bảo số lượng sinh viên đầu ra đạt theo đúng chỉ tiêu Bộ GD&ĐT giao. Theo phương án này, trường sẽ tuyển sinh 1 đến 2 lần mỗi năm.
Đối với phương án 3, nếu Bộ GD&ĐT giữ phương án một kỳ thi quốc gia, trường sẽ áp dụng phương thức xét tuyển dành cho các thí sinh đã dự thi xong kỳ thi quốc gia, đã tốt nghiệp THPT và đã có điểm thi kỳ thi quốc gia.
Việc xét tuyển dựa vào các tiêu chí gồm: Tiêu chí 1 là xét tổng điểm trung bình của ba môn thuộc khối xét tuyển ở 6 học kỳ THPT, có nhân hệ số 2 đối với môn Toán (khối A), Anh văn (khối A1, D1), Sử (khối C), Pháp văn (khối D3) và Nhật văn (khối D6). Tiêu chí 2 là xét tổng điểm trung bình của ba môn thi của kỳ thi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức có nhân hệ số 2 đối với môn theo khối tương tự như trên. Trong đó, tiêu chí 1 chiếm tỷ trọng 30% và tiêu chí 2 chiếm tỷ trọng 70% trong quá trình xét tuyển.
Phương án 4, tuyển sinh kết hợp sơ tuyển và kiểm tra một số môn đặc thù ngành luật. Tiêu chí sơ tuyển là tổng điểm trung bình của ba môn thuộc khối thi ở 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước), có nhân hệ số 2 đối với các môn chính thi theo khối.
Những thí sinh đạt vòng sơ tuyển, trường sẽ tổ chức kiểm tra các môn đặc thù ngành luật gồm tiếng Việt thực hành và ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp và Nhật).
Trong khi đó, trường ĐH Kinh tế TPHCM lại không đặt nặng vấn đề Bộ GD&ĐT chọn phương án thi nào mà các thí sinh muốn vào trường buộc phải trải qua hai môn thi bắt buộc là Toán và Anh văn.
“Nguyên do trường chỉ thi hai môn này vì đây là môn cơ sở, cần thiết cho các ngành học liên quan đến kinh tế. Bên cạnh đó, các môn khác như Hóa, Lý, Sinh… hầu như không vận dụng trong quá trình học nên không cần thiết phải thi”, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết.
Theo ông Đương, nếu đề án được thông qua, có thể trường sẽ chỉ tổ chức thi trong một ngày. “Việc này vừa giảm được chi phí cho thí sinh và nhà trường, đồng thời cũng làm giảm các thủ tục, rắc rối liên quan…”, ông Đương nói.
Ba phương án thi của Bộ GD&ĐT:
Phương án 1: Thi theo môn gồm: Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ.
Phương án 2: Thi theo bài: Có 5 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh), khoa học xã hội (gồm Sử, Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Phương án 3: Thi theo bài: Có 4 bài thi gồm: Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học), khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), khoa học xã hội (gồm Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ.