Tuyển sinh 2015: Tổ chức song song hai phương án?

Thông tin đưa ra tại buổi tọa đàm công tác tuyển sinh ĐH, CĐ do ĐHQG TP.HCM tổ chức ngày 27/8 với sự tham gia của đại diện nhiều trường ĐH phía Nam. Nhiều ý kiến tranh luận về công tác tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐHQG TP.HCM thông tin:

Phương án 1 theo khuynh hướng của Bộ: trong năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một kì thi chung có phân tách, có thang điểm để đánh giá trình độ trung học phổ thông.

Tuyển sinh 2015: Tổ chức song song hai phương án? ảnh 1

PGS.TS Phan Thanh Bình thông tin nội dung cuộc họp Hội đồng quốc gia giáo dục diễn ra tại Hà Nội ngày 26/8

Dựa vào kết quả kì thi này, các trường ĐH chọn mức điểm chuẩn riêng, những trường top trên chọn thang điểm cao, những trường top dưới chọn thang điểm vừa phải.

Với kì thi tốt nghiệp sẽ có chuẩn riêng để đánh giá năng lực học sinh. Các trường có thể dựa vào đây để có phổ điểm riêng hoặc tổ chức kiểm tra thêm và không loại trừ các trường được phép kiểm tra năng lực trước kì thi tốt nghiệp tương tự phương pháp của ĐH FPT.

Bộ GD-ĐT đưa ra ba phương án thi: Thi như cũ, thi kết hợp và tổng hợp.

Theo khuynh hướng của dư luận chọn theo phương án 1, nhưng Hội đồng quốc gia giáo dục ủng hộ phương án 2 (chưa có kết luận cuối cùng). Về kỹ thuật thi, hướng của Bộ là thi trắc nghiệm nhưng do chưa xây dựng hoàn chỉnh bộ đề nên thi theo hình thức tự luận. Quan điểm học gì thi nấy, kể cả môn ngoại ngữ.

Sẽ lựa chọn hai phương án thi: Thi theo môn hoặc thi theo bài, trong đó phương án 1 thi 8 môn trong 4 ngày, phương án hai thi 5 bài thi tổng hợp trong 2 ngày rưỡi.

Bộ GD-ĐT có chủ trương thi tại địa phương và thi theo cụm. Nếu học sinh nào không muốn vào ĐH thì sẽ thi tại địa phương, các học sinh muốn vào ĐH phải tham gia thi cụm do các trường ĐH đứng ra tổ chức (cụm thi ĐH).

Việc tổ chức coi thi và chấm thi bố trí thành các cụm coi thi chấm thi quốc gia đặt tại địa phương, chủ trì là các trường ĐH, CĐ.

Đề thi gồm câu hỏi bốn trình độ tư duy: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao để vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm đánh giá phân hóa năng lực học sinh. Qua các năm sẽ tăng dần số câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao phù hợp với chất lượng giáo dục.

Về môn ngoại ngữ, với những học sinh không được học hoặc trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc thi môn ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn thi tương ứng mỗi phương án. Hiện nay bộ đang tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới thi ngoại ngữ theo hướng đánh giá năng lực người học dựa trên bốn kỹ năng.

Phương án 2 theo khuynh hướng ĐHQG Hà Nội: ĐHQG Hà Nội cho biết, đã chuẩn bị hoàn chỉnh gồm trung tâm khảo thí, 4.000 câu hỏi theo dạng bài thi tổng hợp và có đội ngũ làm công tác tổ chức thi. Tất cả các giảng viên ĐH QG HCN đều đáp ứng dạng bài thi tổng hợp, hơn 70 giảng viên được chuyên gia khảo thí Hoa Kì tập huấn trong việc ra đề thi. Nhà trường đã chuẩn bị 4.000 mục hỏi thuộc các mục phần trong đó một bộ phận câu hỏi đã được thử nghiệm và sẽ tăng thêm khoảng 10.000 câu hỏi.

Bài thi của nhà trường sẽ theo dạng tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm khách quan gồm bốn học phần: toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Các học phần toán, ngữ văn mỗi học phần có 50 câu. Hai học phần tổng hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mỗi học phần có 40 câu. Toàn bộ đề thi có 180 câu, thời gian làm bài 215 phút....

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thực hiện song song hai phương án này trong năm 2015.

Mâu thuẫn tổ chức kì thi quốc gia

PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho biết giáo dục cần sự ổn định, truyền thống. Nếu như ở các nước luôn ổn định ngay cả cách chọn người vào học đại học thì ở Việt Nam luôn có sự thay đổi liên tục.

Nhiều nước cho rằng chỉ có kỳ thi tuyển sinh ĐH của Việt Nam là đáng tin cậy, nghiêm túc, chọn được người giỏi. Vì vậy Bộ phải tính làm sao kỳ thi chung kế thừa được thành tựu của kỳ thi ĐH hiện nay.

Tuyển sinh 2015: Tổ chức song song hai phương án? ảnh 2

PGS. TS Võ Văn Sen hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Thanh Hùng)

“Nguy cơ bị đánh mất hiện nay là tổ chức kì thi thật nghiêm túc và trộn lẫn đề thi vừa dễ vừa khó để các em vừa tốt nghiệp và phân hóa chọn những em có năng lực rất khó. Phải làm sao đáp ứng được cả hai mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT và phân hóa để xét tuyển vào ĐH mà vẫn kế thừa được tính nghiêm túc của kì thi đại học. Vì vậy chuyện này cần thử nghiệm trong phạm vi hẹp trước khi triển khai đại trà.

Hơn nữa về việc tổ chức thi hiện các cụm tổ chức thi ĐH rất tốt, không thể để kì thi này về các địa phương vì ở địa phương không tránh nổi tiêu cực” – PGS Sen cho hay.

TS Trần Ngọc Hội (Trường ĐH Khoa học tự nhiên -ĐHQG TP.HCM) cho rằng nếu tổ chức một kì thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa xét ĐH thì nhất quyết phải mở rộng thang điểm. Với thang điểm 10 như hiện nay không thể đáp ứng hai mục tiêu này được.

Cũng theo TS Hội, có hai mục tiêu mâu thuẫn hiện nay đối với kì thi chung là phổ thông muốn đậu nhiều nhưng ĐH thì hạn chế. Vì vậy khi xét tốt nghiệp THPT cần xét thêm học bạ trong suốt quá trình học. Tránh tình trạng học sinh học cả quá trình nhưng khi thi tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào kết quả của kỳ thi này mà bỏ qua kết quả của 12 năm học. Điều này chưa hợp lý. Nên kết hợp hai tiêu chí trên mới có thể đạt được hai mục đích của một kỳ thi quốc gia” - TS Hội đề xuất.

TS Trần Thế Hoàng, trưởng Phòng quản lý đào tạo Trường ĐH kinh tế TP.HCM bày tỏ, mong muốn kết hợp với các trường ĐH lớn để tuyển sinh theo yêu cầu của từng trường. Nếu trong trường hợp bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung các trường ĐH sẽ tham gia cụm thi. Còn nếu bộ phân cấp mạnh hơn các nhóm trường liên quan với nhau có yêu cầu đầu vào tương tự thì nên kết hợp với nhau.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGĐ ĐHQG TP.HCM cho rằng quan điểm triển một kì thi quốc gia chung và dùng kì thi này đánh giá kết quả tốt nghiệp phổ thông (việc này do bộ và các ở lo) và cho các trường ĐH dựa trên cơ sở đó để xét tuyển đang chuyển từ phương thức ba chung trở về hai chung (tổ chức thi chung và đề thi chung). Đây là tiền đề thuận lợi cho các trường trong vấn đề tự chủ....

Theo Lê Huyền

Theo VietnamNet
MỚI - NÓNG