Chiều qua, 26/8, Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo đã họp bàn về các đề án đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân, chương trình và SGK, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Kết thúc buổi họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT giữ nguyên hệ thống giáo dục quốc dân như hiện nay, các nội dung còn lại tiếp tục lắng nghe phản biện của dư luận.
Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo chiều 26/8, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban về những phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết kỳ thi quốc gia sẽ kế thừa những mặt mạnh, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và ưu điểm của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “ba chung”. Công tác tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tiến hành theo cụm do các trường ĐH, CĐ chủ trì. Đề thi gồm các câu hỏi ở bốn trình độ tư duy: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao…
Về môn thi, bài thi, bên cạnh ba phương án đã được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi dư luận thời gian qua, theo Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Lê Thanh Bình có thể xem xét thêm phương án tổ chức kỳ thi với một bài thi tổng hợp đánh giá trình độ học sinh giống như phương án của ĐHQG Hà Nội.
Giám đốc ĐH Quốc gia HN Phùng Xuân Nhạ cho biết trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án một bài thi tổng hợp (về phương án này, Tiền Phong đã có bài ra ngày 25/8). Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý, các trường ĐH Quốc gia có thể áp dụng phương án thi tiên tiến; ĐHQG Hà Nội có thể làm việc với các Cục, Vụ chức năng của Bộ để xem xét công nhận tốt nghiệp với học sinh hoàn thành bài thi tổng hợp của ĐHQG Hà Nội ở mức độ nhất định.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một nội dung lớn trong tổ chức kỳ thi và việc sử dụng kết quả kỳ thi chung là việc học sinh sau khi có kết quả thi mới đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Đây là đổi mới rất lớn, có ý nghĩa quan trọng trong kỳ thi quốc gia sắp tới. Quan điểm được thống nhất về nguyên tắc là một kỳ thi quốc gia, đảm bảo trung thực, là cơ sở xét tuyển cho các trường ĐH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi cần được sự đồng thuận xã hội, đảm bảo hai yêu cầu xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH.
Đối với ba phương án về bài thi, môn thi mà Bộ GD&ĐT đề xuất, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân, các phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như phương án do ĐH Quốc gia HN đề xuất, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.
“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Giữ ổn định hệ thống
Trong báo cáo định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Bộ GD&ĐT đề xuất giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay.
Về cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án: Một là giữ nguyên như hiện nay, 9 + 3, nghĩa là chín năm cơ bản (gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS) và ba năm THPT; Hai là 10 + 2, nghĩa là thêm một năm ở bậc THCS và bớt một năm ở THPT.
Phát biểu kết luận cuộc họp, về định hướng đổi mới hệ thống giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một số vấn đề liên quan đến giáo dục phổ thông như số năm học, tổ chức trường chuyên cần được nghiên cứu tiếp.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải được chuẩn hóa lại từ sơ cấp nghề đến trung cấp nghề, cao đẳng nghề theo hướng liên thông mở, có sự quản lý thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hệ thống ĐH phân loại thành ĐH nghiên cứu và ĐH nghề nghiệp, ứng dụng, thực hành.
Tại phiên họp, nhiều thành viên bày tỏ sự quan tâm đối với chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.
Ngọc Khôi