Đại dịch đã thay đổi góc nhìn của các nhà khoa học

Sản phẩm cáng áp lực âm của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Phan Trung Nghĩa đứng đầu được trao tặng cho Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: Duy Thành
Sản phẩm cáng áp lực âm của nhóm nghiên cứu do PGS.TS Phan Trung Nghĩa đứng đầu được trao tặng cho Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: Duy Thành
TP - Dịch COVID-19 đã khiến các nhà khoa học rất khó khăn thực hiện nghiên cứu, buộc họ phải có cách tiếp cận mới, thay đổi chính góc nhìn để có được kết quả nghiên cứu như mong muốn.

Năm 2020, một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư đã phải làm đơn xin rút không tham gia xét duyệt ở vòng cuối cùng vì thiếu điều kiện bài báo khoa học.  Thực tế bài báo của họ đã được các tạp chí uy tín duyệt nhưng ngày đăng bị chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. PGS. Phan Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cao su của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đứng đầu nhóm chế tạo những thiết bị y tế giúp cách ly các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2. Ông nói rằng, COVID-19 đã thay đổi góc nhìn của những người làm khoa học.

Theo PGS Nghĩa, sau khủng hoảng dịch bệnh, các nhà khoa học sẽ có cách nhìn mới và cách tiếp cận khác với đề tài nghiên cứu. “Chúng tôi bị buộc phải học bài học về sự tự điều chỉnh để việc nghiên cứu có tính mở hơn, linh động hơn và thích ứng tốt hơn trước những biến động bên ngoài. COVID-19 khiến những người làm khoa học không thể tiếp cận dữ liệu thực nghiệm. Chúng tôi như bị trói chân trói tay”, ông nói.

Tuy nhiên, PGS. Nghĩa cho hay, khi phòng thí nghiệm đóng cửa, các nhà khoa học có thời gian để tập trung vào nghiên cứu lý thuyết, xây dựng giả thuyết.

“COVID-19 cũng dạy tôi bài học về sự hữu ích của tĩnh lặng”, ông nói. Năm 2020, trong 20 ngày giãn cách xã hội tại Hà Nội, tạm xa những trách nhiệm xã hội, những cuộc hội họp và tiệc tùng, PGS. Nghĩa bắt tay vào thiết kế và nhanh chóng chế tạo cáng áp lực âm - sản phẩm đầu tiên trong bộ 4 sản phẩm đặc biệt dành riêng cho đại dịch COVID-19.

Nguyên tắc hoạt động của cáng áp lực âm là bên trong luôn tồn tại một áp suất âm đủ lớn để hút toàn bộ không khí mà bệnh nhân thở ra và lái luồng không khí đó đi theo một hướng nhất định bằng hệ thống quạt hút. Trước khi được đẩy ra bên ngoài, không khí sẽ đi qua một màng lọc siêu vi, nơi giữ lại toàn bộ virus bám trên những giọt dịch.

“Trên thế giới và ở Việt Nam, những sản phẩm có từ trước năm 2019 dùng vào mục đích cách ly bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm đều không thể đối phó với COVID,” PGS. Nghĩa nói. Các sản phẩm vốn có trên thị trường không thể cách ly người bệnh hoàn toàn trong một thời gian dài. Nhóm nghiên cứu của PGS. Nghĩa đã nâng cấp màng lọc lên loại màng lọc siêu vi giúp loại bỏ virus có kích thước cực nhỏ. Ngoài ra, nhóm còn bổ sung những tính năng như khử khuẩn bằng tia cực tím UV, đo nồng độ khí CO2 và O2 cùng thiết bị bơm trực tiếp khí tươi vào cho bệnh nhân. Tất cả các nhà khoa học đều mong sản phẩm của mình được thương mại hóa. Tuy nhiên PGS. Nghĩa tâm sự, ông hoàn toàn không muốn một sản phẩm như thế này được sử dụng vì điều đó có nghĩa là môi trường sống không còn an toàn nữa.

Linh hoạt thay đổi

TS. Lê Văn Út, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng nói rằng, dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Đối với hoạt động nghiên cứu trực tiếp, nhà khoa học không thể đi thực địa, khảo sát thực tế một cách dễ dàng nên đa số là bị đình trệ. Đối với hoạt động hỗ trợ nghiên cứu như hội thảo đều phải bị dừng tổ chức; một số được chuyển sang hình thức trực tuyến, nhưng nói chung không thể hiệu quả bằng trực tiếp. Đặc biệt, chương trình hợp tác nghiên cứu thông qua trao đổi chuyên gia đều không thể thực hiện được.

Ngoài ra, hoạt động của các quỹ nghiên cứu cũng bị ảnh hưởng nên kinh phí tài trợ cho chương trình nghiên cứu bị chậm, gián đoạn hoặc bị cắt giảm. Theo TS. Út, điều này đã tác động rất tiêu cực đến nhà khoa học.

Tuy nhiên, không ít nhà khoa học vẫn có thể thực hiện được nghiên cứu trong giai đoạn COVID-19. Đó là đối với hướng nghiên cứu cơ bản thuộc dạng “khép kín” (không cần phải đi thực địa, khảo sát thực tế). “Nhìn chung, với tinh thần vượt khó trong mọi hoàn cảnh, nhà khoa học cũng từng bước thích ứng dần với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra”, ông Út nói. Ông cho rằng, trước mắt các nhà khoa học có thể tận dụng dữ liệu đã được thu thập trước đó thông qua việc “đóng cửa” để xử lý những dữ liệu này và viết bài công bố trên tạp chí.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.