Đại biểu Quốc hội: Chữ 'T' được áp dụng rất nhiều trong phim

0:00 / 0:00
0:00
ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng tại phiên thảo luận. Ảnh QH
ĐBQH Nguyễn Xuân Thắng tại phiên thảo luận. Ảnh QH
TPO - “Họ rất chú ý vào các thị hiếu, kể cả thị hiếu tầm thường của người xem. Do đó những phim này, yếu tố kích động bạo lực, yếu tố tiêu cực là rất nhiều, hay khoét vào các chuyện như tình, tiền, tù, tội…”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu.

Chữ “T” được áp dụng rất nhiều

Ngày 23/10, tại phiên thảo luận tổ, cho ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện hiện nay, xây dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam một mặt phải đáp ứng được yêu cầu về chính trị. Mặt khác, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường nên cũng phải thấy được chức năng của điện ảnh Việt Nam, phải bảo đảm định hướng chính trị, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ. Theo ông Thắng, đề án lý giải chưa rõ điều này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc khuyến khích đầu tư phim tư nhân, hiện phim tư nhân Việt Nam làm rất nhiều, nhưng phải kiểm soát rất chặt chẽ. Các yếu tố chúng ta hay quan ngại nhất ở phim tư nhân vì họ là người đầu tư. Về mục tiêu, đây là ngành công nghiệp, ngành kinh doanh nên mục tiêu của họ là lợi nhuận, doanh số, thị phần.

“Họ rất chú ý vào các thị hiếu, kể cả thị hiếu tầm thường của người xem. Do đó những phim này, yếu tố kích động bạo lực, yếu tố tiêu cực là rất nhiều, hay khoét vào các chuyện như tình, tiền, tù, tội… Tất cả những chữ “T” này được áp dụng rất nhiều. Nếu không kiểm soát phim tư nhân là không được”, ông Thắng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, điều đó không có nghĩa là hạn chế tư nhân, có nhiều phim tư nhân rất tốt.

Đáng lưu ý, ông Thắng cũng đề nghị đặc biệt quan tâm đến nhập khẩu phim và phim trên mạng. Phải đưa vào quy định rất rõ để kiểm soát phim nhập khẩu. Sau đó là vấn đề đưa phim Việt Nam ra thế giới để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người Việt Nam. Vừa rồi một loạt trường hợp đã bị “thổi còi” vì không có quy định cụ thể.

“Chả biết phim hay hay dở, mình đã được xem đâu, thậm chí chưa xem ở trong nước nhưng đưa ra ngoài, không qua Bộ Văn hoá, hay cơ quan nào, nhưng lại được giải. Rõ ràng ở đây có sự buông lỏng của quản lý”, ông Thắng cho hay.

Phát triển nền công nghiệp điện ảnh

Cũng tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Luật Điện ảnh ra đời từ lâu khi công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề chưa lường hết được. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay phải sửa luật này.

Nhấn mạnh nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh sâu rộng, quảng bá được hình ảnh đất nước, con người, ông dẫn chứng những bộ phim của Hàn Quốc như Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum…cách đây 20 năm chiếu ở Việt Nam.

“Văn hóa soi đường quốc dân đi”, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh vai trò của công nghiệp điện ảnh với phát triển đất nước rất lớn. Theo ông, làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá những hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.

Từ đây, Chủ tịch nước đề nghị phải xây dựng Luật Điện ảnh “dài hơi để sống nhiều thời gian hơn”; nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước, nhất là nên xã hội hóa, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân được làm phim.

“Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng khẳng định vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định. Theo ông, Hội đồng là tập hợp những người có tầm nhìn, những nghệ sĩ tài năng, đức cao đạo trọng, có chuyên môn. Về chính sách phát hành phim, Chủ tịch nước nhận thấy còn thiếu, nhất là quảng bá phim ra nước ngoài, hợp tác quốc tế quảng bá, xúc tiến.

Chủ tịch nước cho biết, hôm qua ông tiếp Đại sứ Algeria và vị đại sứ này nhớ về Việt Nam qua bộ phim về Điện Biên Phủ. “Người ta biết về Việt Nam qua những bộ phim chiến tranh”, lãnh đạo Nhà nước nói và cho hay, bây giờ người ta hiểu Việt Nam nhiều hơn nhưng chưa đủ. Từ đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh trách nhiệm của điện ảnh rất quan trọng để đưa văn hóa, lịch sử nước ta ra thế giới.

MỚI - NÓNG