Vừa qua, trên một số kênh thông tin phản ánh việc cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương trong quá trình thực hiện đã chi nhầm tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Từ thông tin này, dư luận địa phương tỏ ra bức xúc, bình luận trái chiều. Để làm rõ về việc này, PV Tiền Phong đã liên hệ với ngành chức năng Bình Dương.
Sáng 23/10, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến hôm nay, các địa phương đã chi hỗ trợ chính sách cho người dân trên địa bàn trên 2.596 tỉ đồng cho 3 gói hỗ trợ (theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh và Quyết định 12 của UBND tỉnh).
Trong đó, đã chi hỗ trợ Nghị quyết 04 cho 1.423.300 trường hợp, với số tiền 426,99 tỷ đồng (300.000 đồng/trường hợp hỗ trợ tiền thuê nhà trọ); chi theo Nghị quyết 04 và Quyết định 12 cho 1.394.830 trường hợp, với số tiền là 697,415 tỷ đồng (500.000 đồng/trường hợp hỗ trợ lương thực cho người ở trọ).
Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương cho biết thêm, ngay sau khi dịch bệnh trên địa bàn được khống chế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại các gói chi hỗ trợ, nhằm tránh chi sai, thiếu công bằng, đúng với chỉ đạo ngay từ những ngày đầu. Mỗi địa phương huyện, thị xã, thành phố lập một đoàn kiểm, giám sát lại các gói chi; UBND tỉnh cũng lập một đoàn giám sát để giám sát toàn bộ hoạt động chi các gói ngân sách ủng hộ dịch bệnh tại các địa phương.
Người ở trọ tại Bình Dương được hỗ trợ các chính sách |
Qua đó, đã kịp thời phát hiện khoảng 100.000 trường hợp chưa nhận 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 04 và Quyết định 12. Ngay lập tức, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo chi bổ sung và đã chi xong trong ngày 15/10.
Trước thông tin các địa phương đã chi nhầm tiền hỗ trợ cho hàng vạn trường hợp với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng, ngành chức năng tỉnh Bình Dương khẳng định thông tin này không chính xác.
Đại diện Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương cho hay, hai chính sách hỗ trợ của tỉnh được yêu cầu thực hiện khẩn cấp để chi hỗ trợ ngay cho người khó khăn đang có mặt tại phòng trọ trong thời gian cao điểm dịch bệnh.
Do đó, các địa phương được yêu cầu duyệt danh sách tới đâu chi ngay tới đó, không đòi hỏi người dân các giấy tờ không cần thiết và thời gian thực hiện gấp, nên không tránh khỏi trường hợp bị trùng hoặc sót.
Tuy nhiên, trong số hàng chục nghìn trường hợp trong danh sách tổng rà soát thuộc diện trùng tên, địa chỉ… hầu hết đã được các cơ quan chức năng chủ động phát hiện và chưa chi tiền. Các trường hợp đã chi trùng chỉ khoảng 1.900 người và được yêu cầu phải thu hồi. Như vậy, số trường hợp bị thu hồi với tổng số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng.