Hoàn thành một chính sách hỗ trợ từ Bảo hiểm thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Người lao động kiểm tra tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN được chuyển khoản
Người lao động kiểm tra tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN được chuyển khoản
Chỉ sau 5 ngày triển khai khẩn trương, ngành Bảo hiểm xã hội đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho chủ sử dụng lao động (LĐ), với số tiền giảm trên 7.653 tỷ đồng.

Hàng nghìn người lao động nhận được tiền

Theo BHXH Việt Nam, chỉ sau 5 ngày triển khai Nghị quyết 116 và Quyết định 28/2021 của Thủ tướng, tới cuối ngày 5/10, hệ thống BHXH trên cả nước đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng với các đơn vị sử dụng LĐ. Tổng cộng đã có 381.925 đơn vị đang sử dụng hơn 10,4 triệu LĐ được giảm số tiền đóng BHTN trên 7.653 tỷ đồng. Đồng thời, đã có 7.416 người LĐ được chuyển tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN với tổng số tiền trên 20,5 tỷ.

Để đạt kết quả này là nhờ BHXH Việt Nam có hệ thống dữ liệu tập trung trong quản lý.Với quy mô gần 2.500 LĐ, Công ty CP Cảng Hải Phòng là một trong những doanh nghiệp được thông báo giảm mức đóng BHTN ngay trong ngày đầu tiên Nghị quyết 116 có hiệu lực (ngày 1/10).

Ông Tô Đình Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết: Nghị quyết 116 của Chính phủ đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người LĐ rất nhiều lúc khó khăn, dịch bệnh phức tạp. Bên cạnh doanh nghiệp được giảm đóng BHTN, người LĐ cũng bắt đầu nhận được tiền hỗ trợ chuyển tới tài khoản từng người.

“Việc được giảm đóng BHTN giúp doanh nghiệp giảm chi phí, có được nguồn lực để đầu tư sản xuất kinh doanh, chăm lo tốt hơn cho người LĐ”, ông Sơn nói.

Trước đó, triển khai chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng, BHXH Việt Nam cũng chỉ mất 1 tuần để giảm đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, với số tiền đã giảm trên 4.300 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, cơ quan này đã chủ động tham gia cùng các bộ ngành ngày từ đầu để đề xuất và xây dựng chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN tổng giá trị hỗ trợ dự kiến 38.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền tới người LĐ lớn nhất từ trước tới nay.

Do đó, ngay khi chính sách được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai các công tác chuẩn bị, rà soát đối tượng để triển khai ngay khi Thủ tướng ký Quyết định 28 và chính sách có hiệu lực thi hành. Qua đó đảm bảo nhanh nhất, sớm nhất tới tay người LĐ, trên nguyên tắc chung của chính sách BHXH là chia sẻ và đóng - hưởng.

Điểm đáng chú ý của gói hỗ trợ từ BHTN lần này, theo ông Mạnh, là doanh nghiệp và người LĐ tại các đơn vị đang nợ BHXH cũng được hỗ trợ.

Chưa giảm mục tiêu

Bên cạnh triển khai giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116, BHXH Việt Nam quyết liệt triển khai các nhiệm vụ để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm nay. Đây là quyết tâm được ngành BHXH Việt Nam đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 116 và giao ban công tác tháng 10 vừa được BHXH Việt Nam tổ chức.

Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho người tham gia thụ hưởng chế độ, chính sách trong điều kiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người LĐ và doanh nghiệp được ngành BHXH triển khai kịp thời, khẩn trương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh nghiệp dừng hoạt động tăng, nên số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT giảm so với cuối năm 2020, đổi lại số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn tiếp tục tăng.

Trong 3 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành chủ động thích ứng với diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Dù xác định nhiều khó khăn, nhưng ngành BHXH vẫn thống nhất quan điểm quyết tâm hoàn thành, chưa điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm nay. Trong đó, ông Mạnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ.

Trong 3 tháng cuối năm, toàn ngành BHXH tập trung thực hiện công tác thu, giảm nợ đọng, phát triển người tham gia BHXH, BHTN, Bảo hiểm y tế trở lại “trạng thái bình thường mới”, nắm bắt được đà phục hồi của sản xuất kinh doanh, thị trường LĐ để có các giải pháp linh động.

Người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường quản lý chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, trợ cấp thất nghiệp; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi người tham gia; mở rộng cung cấp dịch vụ công mức độ 4; bổ sung tiện ích trên ứng dụng VssID- BHXH số...

BHXH Việt Nam cho hay, theo kế hoạch, trong 3 tháng cuối năm, toàn ngành BHXH cần phát triển thêm 2,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 541.800 người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 2,5 triệu người tham gia BH thất nghiệp và 6,4 triệu người tham gia BHYT.

MỚI - NÓNG