Quốc hội chuẩn bị thảo luận về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022, vấn đề chính đặt ra là cần các giải pháp để vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do dịch bệnh vừa qua, bà có kỳ vọng gì trong kỳ họp này?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Tôi tin Quốc hội cũng hiểu về các yêu cầu của nền kinh tế, điều mà DN và người dân nói nên sẽ có các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt và khả thi ngay. Chính sách chậm ngày nào sẽ kìm hãm sự phục hồi kinh tế ngày đó. Thời gian vô cùng cấp bách. Đi kèm chính sách là chế tài với cá nhân, cơ quan cố tình không thực hiện, hoặc sợ trách nhiệm nên không làm.
Gần 2 năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách, gói hỗ trợ, nhưng tỷ lệ giải ngân tới tay người LĐ và DN rất thấp. Với DN, các chính sách đã được cộng đồng DN, chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đề xuất tại các buổi tiếp xúc với Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội mới đây. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ vốn, lãi suất và LĐ. Các hỗ trợ cần hướng tới cả khối DN nhỏ và vừa, khu vực phi chính thức, nơi sử dụng 50% lực lượng LĐ phi nông nghiệp.
Bên cạnh đó, không phải thấy DN đang hoạt động nên không cần hỗ trợ, họ rất cần, vì họ đã rất nỗ lực để duy trì hoạt động, họ là DN tốt, có thị trường tiêu thụ, phục vụ xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản... Vừa qua, do đứt gãy sản xuất vì dịch bệnh, một số nhà sản xuất toàn cầu đã chuyển một phần đơn hàng từ Việt Nam đi nước khác, nếu chậm phục hồi họ có thể chuyển cả nhà máy. Do đó cần hỗ trợ DN trong chuỗi cung ứng khôi phục thật nhanh để giữ đơn hàng và nhà đầu tư ở lại.
Vậy theo bà giải pháp hỗ trợ nên như thế nào được xem là đủ mạnh?
Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) khuyến nghị Việt Nam nên dành 1 gói tài chính tương đương 4% GDP quý 4/2021 để hỗ trợ người LĐ mất việc làm và người nghèo. Tiền hỗ trợ giúp người dân bớt khó khăn, kích thích tiêu dùng, từ đó khôi phục sản xuất. Thậm chí chấp nhận phát nhầm hơn bỏ sót để giải ngân nhanh nhất, tới được những người yếu thế nhất trong xã hội.
Dài hạn hơn, Quốc hội đang xem xét sửa Luật Đất đai, rất cần có quy định ưu đãi DN làm nhà ở cho công nhân như miễn thuế đất, cho vay vốn ưu đãi; công nhân được vay ưu đãi để mua nhà trả góp...
Qua dịch bệnh cho thấy, những đầu tàu tăng trưởng kinh tế như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... dựa rất nhiều vào LĐ nhập cư, nhưng họ lại thiệt thòi nhất, cuộc sống thiếu ổn định do phải thuê trọ, chưa được xem là người địa phương. Dù Luật Cư trú đã bỏ quy định về hộ khẩu, nhưng thực tế nhiều chính sách vẫn căn cứ theo hộ khẩu, muốn được hỗ trợ cũng phải có hộ khẩu. Do đó, chính sách cần tiếp cận theo hướng người ở đâu là dân nơi đó, địa phương nơi họ đang ở phải chăm lo, không phải hộ khẩu ở đâu dân ở đó. Có như vậy người nhập cư mới trở thành người địa phương và được tiếp cận các chính sách an sinh, gắn bó lâu dài.
Từ sức ép buộc phải thay đổi để vượt qua khó khăn do dịch bệnh, theo bà có thể tạo đột phá thật sự, cắt giảm các rào cản nhiều năm qua đã nói nhưng chưa làm được để DN bứt phá không?
Điều đó rất cần và là yêu cầu hợp lý của DN. Trong đó, cần chú trọng tạo điều kiện cho các DN Việt, vì dù thế nào, họ vẫn ở đây và đóng góp cho nền kinh tế đất nước, không thể để DN của họ đóng cửa, phá sản.
Bên cạnh đó, có cán bộ xem chính sách hỗ trợ người dân và DN là một sự ban ơn của Nhà nước, đó là nhận thức sai lầm, cần điều chỉnh. Thay vì vậy, cần phải xem đây là dịp để Nhà nước hỗ trợ lại DN và người dân đã đóng góp cho nền kinh tế, cho ngân sách, trong đó có tiền lương nuôi bộ máy.
Cảm ơn bà!