Hỗ trợ để doanh nghiệp xốc tới chứ không phải 'lom khom hồi phục'

0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Đình Thiên phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh Nhật Minh
Ông Trần Đình Thiên phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh Nhật Minh
TPO - Theo ông Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể “đứng thẳng dậy”, “xốc tới” chứ không phải “lom khom hồi phục”.

Thoát khỏi tâm lý sợ hãi, “an toàn địa phương cục bộ”

Chiều 19/10, Ban Thường trực Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm phát huy vai trò của doanh nghiệp, người dân trong phục hồi kinh tế. Tại tọa đàm, ông Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế cho biết, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều khiến ông Thiên đặc biệt lưu ý là sự sụt giảm mạnh và đột ngột của tốc độ tăng trưởng.

Để có phản ứng chính sách tốt ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, ông Thiên cho rằng, phải nhận diện đúng và rõ điểm yếu của các yếu tố, các khâu cơ bản liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường như một hệ thống liền mạch quốc gia chứ không phải như một tổng số rời rạc của mấy chục nền kinh tế “sứ quân”.

Theo ông, đã đến lúc các địa phương phải nhận thức cho đúng bản chất dịch bệnh để thoát khỏi tâm lý sợ hãi quá mức, đẻ ra tinh thần “an toàn địa phương cục bộ” quá đà, xung đột gay gắt với yêu cầu vận hành không bị chia cắt hành chính của nền kinh tế thị trường.

Hỗ trợ để doanh nghiệp xốc tới chứ không phải 'lom khom hồi phục' ảnh 1

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm về phục hồi kinh tế. Ảnh Nhật Minh

Về giải pháp, ông Thiên đề nghị đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công. Bởi đây chính là kênh “tiếp máu” quan trọng cho “cơ thể” kinh tế. Tuy nhiên, để chuyển động được lĩnh vực này, ông đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để tháo gỡ nhanh, thủ tục, quy trình của cơ chế “xin -–cho" để việc giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện nhanh chóng.

Các giải pháp của Chính phủ và ngân hàng phải mạnh để các doanh nghiệp có thể đứng thẳng dậy và “xốc tới” chứ không phải “lom khom hồi phục”. “Đây là lúc “đúng lúc” nhất ngân sách nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ doanh nghiệp, để “cứu” nền kinh tế, thực chất cũng là cứu mình. Nếu không, nền kinh tế vẫn sẽ khó phục hồi, có thể lại bỏ mất thời cơ” ông Thiên góp ý.

Tăng bội chi để phục hồi kinh tế

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thái, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đề nghị tăng bội chi ngân sách một vài năm để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ an sinh xã hội và khôi phục kinh tế, đổi mới ngành y tế…

Việc này, theo ông cần đặt trong chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, ứng phó thích ứng linh hoạt với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai và môi trường quốc tế phức tạp.

Hỗ trợ để doanh nghiệp xốc tới chứ không phải 'lom khom hồi phục' ảnh 2

Ông Nguyễn Quang Thái, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

Ông Hoàng Quang Phòng, phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần được nhìn nhận là chủ thể trong ứng phó COVID-19 và được chủ động trong thực hiện y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các trường hợp có ca bệnh theo khả năng của doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ những hướng dẫn và quy chuẩn do các cơ quan Nhà nước ban hành.

Dẫn ví dụ, với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp trên cả nước từng phải tuân thủ quy định xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần, ông Phòng cho rằng, nếu cho phép doanh nghiệp tự xét nghiệm sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, có ý nghĩa không kém một gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp.

Về chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, ông Phòng lưu ý cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động. Cụ thể, Chính phủ cần có các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động cần nhanh chóng được xây dựng với quy mô và mức hỗ trợ phù hợp.

MỚI - NÓNG