Năm 2017 là năm để lại nhiều dấu ấn đối với sự phát triển của TPHCM. Thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và giữ vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước.
Hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2016, như nông nghiệp tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 5,4%), chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,9% (cùng kỳ tăng 7,33%), dịch vụ tăng 8,2% (cùng kỳ tăng 8%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,89%, xuất khẩu tăng 15,1%, khách quốc tế đến Thành phố tăng 22,8%, doanh thu du lịch tăng 12,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 68%, cao nhất trong các địa phương trong cả nước…
Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả rất khả quan.
Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (gọi tắt là NQ 54). Các cơ chế, chính sách này sẽ khơi thông, mở ra các nút thắt về tài chính, đất đai, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phục vụ hành chính công, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ phát triển các ngành kinh tế.
Có thể nói NQ 54 là yếu tố thuận lợi, tạo thế và lực cho TPHCM phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Với vai trò là người đứng đầu chính quyền TPHCM, ông cảm nhận như thế nào khi Quốc hội thông qua NQ 54?
Tôi rất phấn khởi. Cảm xúc này không chỉ của riêng tôi mà là của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM. Đây là Nghị quyết mang tính lịch sử đối với thành phố với độ mở chưa từng có; đồng thời còn là mong mỏi, gửi gắm và kỳ vọng của Trung ương đối với TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước. Với phương châm “quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo”, TPHCM quyết tâm triển khai thực hiện thành công NQ 54, xứng đáng với niềm tin Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước đã dành cho, để TPHCM có điều kiện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Vì sao với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,5 lần, thu ngân sách chiếm gần 30% tổng thu ngân sách quốc gia và đang giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, TPHCM lại cần có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển?
Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức), NQ 54 sẽ tạo động lực mới để TPHCM giải phóng mọi tiềm năng, tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết các thách thức trong bối cảnh sự vượt trội của TPHCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại.
“NQ 54 sẽ là động lực để TPHCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, và từ đây Trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. Ðiều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TPHCM có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi”.
Ông Nguyễn Thành Phong
Trong suốt quá trình phát triển, TPHCM là nơi lý tưởng để người dân các địa phương khác đến sinh sống, học tập, làm việc, kinh doanh. Bình quân mỗi năm dân số TPHCM tăng thêm 140.000 người, đa số là người dân từ các nơi khác chuyển đến. Mỗi năm TPHCM cần xây thêm hơn 2.000 phòng học, nhiều bệnh viện, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông… Và, TPHCM luôn xem đó là điều tất yếu trong mối quan hệ tương hỗ, máu thịt giữa TPHCM với các địa phương, khi mỗi người dân về sinh sống đều có đóng góp cho TPHCM và TPHCM có trách nhiệm phải chăm lo.
Hiện nay, TPHCM đã ký kết hợp tác với 36 địa phương và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong thời gian tới nhằm chia sẻ nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.
Ðược thí điểm thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù sắp tới liệu có tạo ra sự bất bình đẳng giữa TPHCM và các địa phương hay không, thưa ông?
NQ 54 không làm thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, cơ bản không ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô và tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương giai đoạn 2015-2020. Do đó, nó không làm giảm bất cứ nguồn lực nào của các địa phương khác.
Tinh thần của NQ 54 là nguồn lực tăng thêm từ thí điểm cơ chế chính sách đặc thù để TPHCM vun đắp cho cuộc sống của người dân TPHCM và các địa phương còn khó khăn trong cả nước. NQ 54 sẽ là động lực để TPHCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, và từ đây Trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. Điều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TPHCM có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi.
TPHCM sẽ triển khai cơ chế chính sách đặc thù như thế nào khi thời gian cho phép thí điểm chỉ trong 5 năm?
Lãnh đạo TPHCM xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố giai đoạn 2017-2022. Hiện nay, định kỳ tuần/lần, tôi trực tiếp chủ trì làm việc với hai tổ nghiên cứu để đôn đốc tiến độ thực hiện NQ 54.
Dư địa tăng trưởng của TPHCM còn rất lớn. TPHCM là đô thị đặc biệt có vị trí quan trọng, nơi quy tụ tinh hoa các vùng miền, là nơi lý tưởng để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Thuận lợi là sự quan tâm của toàn xã hội, luôn theo dõi từng bước đi và sẵn sàng tham gia, góp ý, hiến kế, phản biện các cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM. Một điểm hết sức thuận lợi là TPHCM luôn sáng tạo, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm.
Trong quá trình triển khai NQ 54 cũng có không ít thách thức. Tất cả thẩm quyền và cơ chế, chính sách đặc thù đòi hỏi phải được chuyển hóa thành những chính sách, quy định và quy trình cụ thể, phải được thiết kế sao cho thật sự tạo ra được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và các cấp chính quyền. Đặc biệt là phải lượng hóa đầy đủ những tác động xã hội trong ngắn hạn cũng như dài hạn khi thực hiện.
Thời gian triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù khá ngắn, chỉ trong 5 năm. Đến năm 2020, TPHCM phải sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm để báo cáo Chính phủ và đến năm 2022 phải tổng kết, đánh giá báo cáo Quốc hội. Vì vậy, một số chính sách vĩ mô có độ trễ nhất định, chưa thể phát huy trong ngắn hạn.
Kinh tế tư nhân có vai trò như thế nào khi vận hành cơ chế đặc thù trong thời gian tới, thưa ông?
Đối với TPHCM, kinh tế tư nhân từ nhiều năm qua đã trở thành một động lực trực tiếp, chiếm đến 53,6% nền kinh tế và 67,08% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khi vận hành cơ chế đặc thù, khu vực kinh tế tư nhân được hưởng lợi nhiều nhất, đồng thời cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì phần lớn doanh nghiệp của TPHCM thuộc loại vừa và nhỏ.
Hiện nay cùng với cơ chế đặc thù, TPHCM đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư, hỗ trợ xử lý toàn bộ thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn kể cả liên hệ với các bộ ngành Trung ương cho đến khi dự án đi vào hoạt động. TPHCM cam kết xây dựng môi trường thuận lợi nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, nói đi đôi với làm.
Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng tâm nhất trí, đồng thuận, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là sự cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thành phố, nhất định sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra.
Xin cám ơn ông.
PGS TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM
Ðánh giá cán bộ tránh bình bầu cảm tính
Thời gian vừa qua tần suất, công suất làm việc của đội ngũ cán bộ công chức viên chức TPHCM rất cao, áp lực công việc căng thẳng, trong khi chi phí sinh hoạt tại TPHCM rất đắt đỏ. Việc tăng thu nhập sẽ tạo động lực để cán bộ công chức viên chức làm việc tốt hơn.TPHCM đã rất thận trọng. Quốc hội cho phép từ nay đến năm 2020 được tăng thu nhập không quá 1,8 lần. Trong năm 2018, TPHCM chỉ tăng 0,6 lần để xem xét việc cân đối nguồn lực tài chính của thành phố, đánh giá hiệu quả công việc, năng suất lao động, việc phân loại, xếp loại cán bộ cuối năm… đồng thời rà soát lại cơ chế khoán trước đây.
Cơ chế khoán cho phép chi thu nhập tăng thêm không quá một lần nhưng thực chất có hơn 80% đơn vị chỉ chi không quá 0,5 lần; thậm chí trên 60% chi không quá 0,4 lần. Điều đó cho thấy cân đối ngân sách của TPHCM hiện nay đang rất khó khăn. Vì cả nước, TPHCM phải đảm bảo điều tiết về trung ương 82% thu ngân sách địa phương, do đó phải làm sao tạo được động lực để thu ngân sách nhiều hơn, tạo công ăn việc làm,
đặc biệt là tạo được nguồn thu ngân sách thì mới đáp ứng được việc tăng thu nhập như là một phần thưởng của NQ 54.Tuy nhiên, quan trọng là phải đánh giá được đội ngũ cán bộ công chức TPHCM, nhất là về hiệu quả công việc, tránh cào bằng để tạo thêm động lực làm việc. Muốn công bằng, trong đánh giá cán bộ, phải chuẩn hóa, có những tiêu chí cụ thể được chấm bằng điểm số. Phải lượng hóa để tránh bình bầu cảm tính. Với việc lượng hóa như vậy mới đánh giá chính xác đội ngũ cán bộ công chức.
TS Trần Du Lịch
Không tạo thêm gánh nặng cho người dân
Liên quan đến việc tạo nguồn thu và điều tiết chi tiêu, NQ 54 không vì mục tiêu tăng thu để tăng gánh nặng cho người dân mà là điều chỉnh tiêu dùng hợp lý và thực hiện một số nghĩa vụ để tạo sự công bằng, thậm chí tác động để điều tiết dân cư.Ví dụ như việc NQ 54 cho phép TPHCM nghiên cứu việc tăng thuế suất một số loại hàng hóa mà theo luật là tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, thuốc lá… vốn không khuyến khích người dân sử dụng. Chọn loại hàng hóa nào, dịch vụ nào thì phải cân nhắc, đánh giá. Góp phần tăng nguồn thu nhưng cũng phải vì cái chung của người dân, cộng đồng.
Đương nhiên chính sách nào cũng phải đánh giá tác động của nó. Cái gì được, cái gì không được, ảnh hưởng đến ai, lợi và không có lợi... Chính sách nào cũng có một bộ phận bị ảnh hưởng. Không có chính sách nào mọi người cùng hưởng. Vì vậy phải đánh giá tác động và đưa ra Quốc hội, HĐND thảo luận.
Tôi cho rằng NQ 54 chỉ tạo ra những cái tốt hơn cho người dân chứ không ảnh hưởng đến người dân. Riêng lĩnh vực quản lý tài chính ngân sách, cái đầu tiên là tăng tự chủ cho chính quyền địa phương trong việc huy động nguồn vốn; vấn đề thuế và phí… để chủ động tạo nguồn thu. Tăng nguồn thu sẽ giải quyết bài toán đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay, TPHCM rất bất cập về hạ tầng. Hạ tầng quá tải đang là trở lực cho vấn đề phát triển và gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM
Ổn định chỉ tiêu nộp ngân sách để TPHCM tăng tính chủ động
Về quản lý đất đai, NQ 54 cho phép HĐND TPHCM xem xét quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa có diện tích trên 10 ha. Đây là vấn đề cần hết sức thận trọng vì khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác thì sau này khó có thể quay lại mục đích cũ. Vì vậy phải xem xét đến yếu tố bền vững. Đất nông nghiệp ở TPHCM không còn nhiều. Chúng ta cần nhiều vùng đệm, vùng xanh. Ở những đô thị lớn như thành phố New York (Mỹ) chẳng hạn người ta dành đất cho công viên rất nhiều. Trong nội thành có những công viên bạt ngàn như những cánh rừng, diện tích rộng đến 300 ha.NQ 54 cho phép TPHCM vay tới 90% ngân sách được giữ lại thì con số này cũng lớn nhưng tính toán nguồn trả nợ như thế nào vẫn còn khó khăn. Nếu mỗi năm trung ương giao chỉ tiêu nộp ngân sách ngày càng cao như mấy năm nay thì nguồn nào để TPHCM trả nợ vay?
Phải ổn định chỉ tiêu giao về thu ngân sách trong một khoảng thời gian nhất định thì TPHCM mới tính toán được khả năng trả nợ vay một cách chủ động.
GS TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM
Thu hút nhân tài không hình thức, phong trào
Lâu nay chúng ta hay nói trải thảm đỏ mời người tài, nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi bên dưới thảm đỏ lại có đầy đinh. Và chính các thủ tục hành chính của ta cũng là những cây đinh đáng sợ.Muốn thu hút người tài thì trước hết phải biết người đó cần gì? Làm việc cho ta họ được cái gì? Làm chỗ này hơn chỗ khác ra sao… Thu hút là tìm tiếng nói chung giữa cái ta cần và cái người ta có chứ không thể bằng tuyên truyền dân vận đơn thuần, “tay không bắt giặc”.
Thống kê cho thấy trí thức Việt kiều phần đông vào làm cho doanh nghiệp, kế đến là trường đại học, gần như không ai vào cơ quan nhà nước… Để thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực trí thức trong và ngoài nước, chính sách nhập cư của thành phố cần ưu tiên thu hút lao động có trình độ và kỹ năng cao. Không phân biệt giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học Việt kiều. Các nhà khoa học hưởng lợi ích tương xứng với giá trị mà họ tạo ra…
Cần tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà khoa học, xây dựng cơ chế phối hợp giữa chuyên gia trong và ngoài nước để tiếp thu công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cho phép các tổ chức khoa học công nghệ được thực hiện chế độ lao động hợp đồng để giảm bớt rào cản đối với các nhà khoa học Việt kiều trong các nghiên cứu ngắn hạn. Mở rộng cơ chế hỗ trợ tài chính cho các chuyên gia với nhiều hình thức đa dạng hơn.
Huy Thịnh (ghi)