Đã xanh lại Biển Tây

Đã xanh lại Biển Tây
TP - Tình huống nước biển dâng, sạt lở xoáy sâu vào bờ biển phía tây từ Kiên Giang đến Cà Mau đã được ngăn chặn. Hàng rào bờ kè bằng cây tràm, rọ đá, trụ bê - tông chắn sóng, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ.

> Nhật Bản hỗ trợ phục hồi, quản lý rừng phòng hộ
> Giải pháp cứu mũi Cà Mau

Giáp xanh cho bờ biển

Những năm gần đây, nước biển dâng, sóng biển vỗ gây sạt lở tuyến bờ biển từ Kiên Giang đến Cà Mau, làm hàng ngàn hộ dân lo sợ.

Dọc theo tuyến đê Biển Tây nằm phía sau dải rừng phòng hộ, khoảng hơn 300 km từ Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, An Biên, An Minh, thị xã Hà Tiên, TP Rạch Giá (Kiên Giang), U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân…(Cà Mau) bị chia cách bởi sông rạch ăn thông ra biển, sạt lở do không còn rừng phòng hộ, sóng biển ăn sâu vào chân đê.

Bà Đỗ Kim Thu, 55 tuổi, ở tổ 10, ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) đến vùng đất phía sau đê Biển Tây để làm nông nghiệp từ năm 1996: “Vùng đất phía trong đê tốt lắm, còn mầu mỡ, trồng cây gì cũng có trái ăn. Nhưng từ năm 2005 đến nay thì bờ biển lở, nước biển tràn qua đê, cá đi hết, cây chết đứng. Sống gần biển không biết nói sao cho hết, mỗi lần nước biển tràn đê, trắng tay, làm lại từ đầu”.

Bờ Biển Tây càng về phía Cà Mau càng sạt lở nhiều do sóng biển, nước dâng và dòng chảy.

Kè ngầm, chắn sóng, tạo bãi, trồng rừng được xây dựng cách bờ biển hơn 100 m, cọc bê- tông ly tâm dự ứng lực dài 6m đóng liền kề hai dãy, mỗi dãy có khoảng cách 2 m, giữa hai hàng cọc đổ đá hộc. Khi sóng biển vỗ vào bị chặn lại nhưng nước vẫn theo kẽ đá vào trong và để lại lượng phù sa tạo bãi. Bãi bồi sẽ tự tái sinh loài cây mắm, cây đước thành dải rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Cà Mau nói: “Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang và sẽ diễn ra, trực tiếp uy hiếp các huyện ven biển. Ba năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định hộ đê khẩn cấp, để đối phó sạt lở bằng cừ tràm, rọ đá, kè bản nhựa, kè ngầm tạo bãi…”.

Vợ chồng ông Võ Văn Sáng- Trần Thị Bé Bảy, ở cửa biển Cái Cám, xã Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau) cho biết: Khi rừng không còn che chắn bờ biển, sóng gây xói lở sâu dưới lòng đất. Cừ tràm, cây dừa, cừ bản nhựa đều khó chống chọi được với sóng biển. Kè bằng rọ đá ngăn được sóng, giảm sức sóng nhưng lâu ngày rọ bằng dây kẽm bị ăn mòn, đá hộc không trụ được, rơi xuống bãi bồi. Ông Võ Văn Sáng quả quyết: “Phải có dải rừng phòng hộ mới giảm được sức phá của sóng biển”.

Từ năm 2008 đến nay, Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) triển khai dự án Kết hợp bảo tồn và phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang.

Sở NN- PTNT Cà Mau thí điểm xây dựng 300 m kè ngầm, chắn sóng, tạo bãi, trồng rừng, với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, vào năm 2010. Hàng cọc bê- tông đóng xuống bãi, cách nhau 0,2 m. Hai hàng cọc cách 2 m, đá hộc để vô trong.

Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nói: “Khảo sát nhiều lần, tại nhiều điểm sạt lở đều có chung hình ảnh mất dải rừng phòng hộ hoặc dải rừng quá mỏng. Xây dựng bờ kè tốn kém nhiều, chỉ tập trung điểm sạt lở nghiêm trọng và phải khôi phục được dải rừng phòng hộ để giữ bờ biển, bảo vệ dân cư ven biển”.

Tuyến đê Biển Tây

Sở NN- PTNT Cà Mau, Kiên Giang đang triển khai xây dựng tuyến đê Biển Tây thuộc dự án nâng cấp tuyến đê biển quốc gia. Sở NN- PTNT Kiên Giang cho biết, từ nay đến năm 2020, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp đê Biển Tây, với tổng vốn hơn 8.400 tỷ đồng.

Đê biển nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, mặt đê là đường giao thông ven biển, phía ngoài đê là rừng phòng hộ.

Dân cư ven biển Cái Cám (Phú Tân, Cà Mau)
Dân cư ven biển Cái Cám (Phú Tân, Cà Mau).

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai dự án khôi phục, phát triển rừng phòng hộ ven biển, tổng mức đầu tư 205,4 tỷ đồng, qui mô 8.364,5 ha thuộc vùng ven biển chạy dọc theo tuyến đê biển từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) dài hơn 200 km tuyến rừng phòng hộ đê Biển Tây.

Ngoài việc bảo vệ, phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có, đa dạng sinh học để tránh xói lở bờ biển.

Trên cơ sở cắm mốc phân vạch bãi bồi ven biển, giao khoán cho hộ dân và triển khai trồng rừng kết hợp nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả, vừa đảm bảo chức năng phòng hộ, ngăn chặn xói lở và sạt lở đất bờ biển, vừa tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho cư dân.

Dự án đê Biển Tây tại Cà Mau kéo dài từ sông Tiểu Dừa (U Minh) giáp Kiên Giang, đến sông Bảy Háp (Phú Tân) và nối với đê Biển Đông bao bọc mũi Cà Mau đến Bạc Liêu, với tổng dự toán gần 2.000 tỷ đồng.

Ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau nói: “Kè ngầm, chắn sóng, tạo bãi, khôi phục rừng có tốn kém nhưng mở rộng được đất đai, khôi phục rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh Cà Mau đã hợp đồng với Viện Nghiên cứu biển, Viện Khoa học Thủy lợi thực hiện công trình nghiên cứu Kè ngầm, chắn sóng, tạo bãi, trồng rừng”.

Dù mới thử nghiệm nhưng những tuyến đê Biển Tây xuất hiện cụm, tuyến dân cư ven biển có vườn cây ăn trái, ao cá, ruộng lúa… sung túc.

Bà Võ Thị Kim Thông, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang) kể: “Năm đầu tiên, hàng rào giữ được bãi, rừng mọc lưa thưa. Rồi sau đó, lấn tiếp thêm vài chục thước nữa. Sau 3 năm, dải rừng hơn 500 m đã bảo vệ được đê khỏi vỡ, dân cư phía trong đê yên ổn làm ăn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.