Từ năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án Nghiên cứu đề xuất hình thành một số chợ điểm phục vụ du lịch trên địa bàn với mục tiêu hình thành hệ thống chợ du lịch hiện đại, mang bản sắc đô thị, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Ảnh: Giang Thanh. |
Chợ Hàn - một trong những chợ nổi tiếng và hút khách nhất Đà Nẵng - được Sở Công Thương lựa chọn để đầu tư nâng cấp, cải tạo và thực hiện xây dựng chợ điểm phục vụ du lịch. Dự án cải tạo và nâng cấp Chợ Hàn bắt đầu triển khai vào tháng 9/2022. |
Sau khi hoàn thành, Chợ Hàn được "khoác áo mới", tình trạng quá tải vào cao điểm du lịch được cải thiện. Giao thông quanh khu vực chợ Hàn qua các tuyến đường Bạch Đằng - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Thái Học cũng được tổ chức lại để giảm tình trạng ùn tắc. |
Bên cạnh đó, Ban quản lý (BQL) chợ cũng bố trí, sắp xếp lại các ki ốt theo hướng khoa học, hiện đại hơn, tập trung vào các mặt hàng, ngành hàng phục vụ du lịch như: đặc sản địa phương, đồ lưu niệm, thực phẩm, thời trang, may đo nhanh... |
Vào mùa du lịch, những kỳ nghỉ lễ, mỗi ngày Chợ Hàn có thể đón từ 5.000 - 7.000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan. Đây là địa điểm mua sắm được du khách quốc tế vô cùng yêu thích, đặc biệt là khách Hàn, khách Trung, khách Ấn... |
Theo ông Đàm Văn Tẩu - Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, sau khi hoàn thành việc xây dựng chợ điểm du lịch đối với Chợ Hàn, đơn vị cũng đang phối hợp để tiếp tục triển khai ở Chợ Cồn. |
Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, sắp xếp lại các ngành hàng, công ty cũng tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực cho tiểu thương, nhân viên BQL. Trong đó, chú trọng vào các hoạt động nâng cao kỹ năng, chuyên môn về bán hàng, ngoại ngữ, chuyển đổi số trong thanh toán, quảng bá, bán hàng trên kênh trực tuyến... |
Tại các chợ điểm du lịch, các sản phẩm OCOP, sản phẩm lưu niệm, sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng... được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ thông qua các gian hàng Việt, gian hàng đặc sản..., giúp du khách dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chất lượng, đặc trưng của địa phương. |
"Việc chuyển đổi từ chợ truyền thống thành chợ du lịch không chỉ là việc nâng cấp, cải tạo, sắp xếp ngành hàng mà còn phải chuyển đổi về năng lực và tư duy kinh doanh cho cán bộ, nhân viên, các hộ kinh doanh và tiểu thương ở chợ theo hướng văn minh, hiện đại, ứng dụng chuyển đổi số để tạo ra hình ảnh đẹp trong mắt du khách, níu chân khách trở lại", ông Tẩu nói. |
Cũng nằm trong hệ thống chợ điểm phục vụ du lịch, thời gian qua, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà) đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Gắn liền với Cảng cá Thọ Quang, đây được xem là chợ đầu mối thủy sản lớn nhất miền Trung, luôn tấp nập từ nửa đêm cho đến sáng. |
Được biết, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hình thành 11 chợ điểm phục vụ du lịch với trọng tâm là khu vực ven sông Hàn và bờ Đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn); hướng Bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân và phía Tây thành phố; vịnh Đà Nẵng và các khu vực biển Thọ Quang, Mỹ Khê, Non Nước. |
11 chợ điểm ở giai đoạn này gồm: Chợ Hàn, Chợ Cồn, chợ Bắc Mỹ An, chợ Cẩm Lệ, chợ Hòa Khánh, chợ Túy Loan, chợ đầu mối Hòa Phước, chợ Hưởng Phước, chợ An Hải Bắc, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, chợ Đông Hải. |
Dự kiến, đến năm 2050, Đà Nẵng tiếp tục hình thành thêm 2 chợ du lịch là chợ Nại Hiện và chợ hải sản Thanh Khê, nâng tổng hệ thống chợ du lịch trên địa bàn lên 13 chợ. |
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản tăng cường triển khai đề án chợ điểm du lịch trên địa bàn. Trong đó, Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành địa phương đẩy mạnh hình thành chợ điểm phục vụ du lịch; sắp xếp, tổ chức hoạt động kinh doanh theo hướng văn minh; chỉnh trang, nâng cấp các hạng mục hạ tầng xuống cấp, tạo thuận lợi cho tiểu thương buôn bán cũng như phát triển chợ du lịch. |