Tại phiên chất vấn, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nêu tình hình sở hữu chéo và xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, hoặc nhóm cổ đông lớn, lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng cổ phần đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đại biểu chất vấn Thống đốc Hưng, nguyên nhân nào dẫn đến các vi phạm và định hướng trong thời gian tới để xử lý dứt điểm các vi phạm này?
Trả lời chất vấn này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua yêu cầu chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất và mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến nay, tình hình sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết được cơ bản, tình hình của các ngân hàng cũng minh bạch và đại chúng hơn.
“Tình trạng của cổ đông và nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được nhận diện và xử lý, kiểm soát một bước quan trọng. Các nhóm chi phối hoạt động ngân hàng đã giảm mạnh”, ông Hưng khẳng định, đồng thời dẫn chứng, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012, đến nay còn 2 cặp. Số tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu chiếm trên 15% năm 2012 là 19 tổ chức tín dụng, hiện nay còn 4 tổ chức. Đặc biệt, số sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay cũng chỉ còn 2 cặp. Tuy nhiên, trong phần trả lời của mình, ông Hưng đã không nêu rõ các cặp ngân hàng còn sở hữu chéo trực tiếp là những ngân hàng nào cũng như cặp còn sở hữu cổ phần trực tiếp là giữa ngân hàng và doanh nghiệp nào. Đây là vấn đề mà dư luận và cử tri rất quan tâm mong muốn NNHN công bố rõ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Hưng, từ thực tiễn vừa qua cho thấy, sở hữu chéo là vấn đề phức tạp và rất khó phát hiện, kiểm soát đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Như vậy là vi phạm pháp luật, đòi hỏi thanh tra pháp nhân và thanh tra rất kỹ lưỡng mới có thể phát hiện, hoặc là các cơ quan chức năng có quá trình điều tra mới phát hiện được những hành vi sở hữu chéo này.
Các vi phạm về giới hạn sở hữu cũng như sở hữu chéo đã được xử lý một bước, tuy nhiên ông Hưng cũng thừa nhận, vẫn còn một số hiện tượng như đại biểu nêu. Nguyên nhân là việc thoái vốn của các cổ đông thời gian qua có những khó khăn nhất định do chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước vì có nhiều doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng này.
Để khắc phục và xử lý thực trạng trên, theo Thống đốc NHNN, tại dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đang trình Quốc hội, đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan.
ĐB Bùi Thanh Tùng: Nguyên nhân nào dẫn đến các vi phạm trong sở hữu chéo và định hướng trong thời gian tới để xử lý dứt điểm các vi phạm này của NHNN?
Thống đốc Lê Minh Hưng: Sở hữu chéo cũng là một vấn đề khá phức tạp và rất khó phát hiện và kiểm soát đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Hiện nay số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012, còn 2 cặp. Số sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp từ 56 cặp năm 2012, hiện nay cũng chỉ còn 2 cặp