Cứu sống bệnh nhân ngộ độc khi ăn ốc bùn bóng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi ăn ốc bùn bóng, bệnh nhân B. xuất hiện các triệu chứng ngộ độc rồi rơi vào trạng thái hôn mê. May mắn bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và cấp cứu thành công.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện này vừa cấp cứu, điều trị thành công cho một bệnh nhân bị ngộ độc nặng do ăn ốc bùn bóng.

Cứu sống bệnh nhân ngộ độc khi ăn ốc bùn bóng ảnh 1

Bệnh nhân B. được đưa vào nhập viện trong tình trạng hôn mê, ngộ độc nặng.

Cụ thể, 3 ngày trước bệnh nhân T.V.B. (37 tuổi, quê ở Quỳnh Dị, Quỳnh Lưu, Nghệ An) ăn một con ốc bùn bóng. Sau khi ăn khoảng 30 phút, anh B. bắt đầu xuất hiện tình trạng tê miệng, tê tay, tê chân. Ngay sau đó, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu.

Sau khoảng 2 giờ nhập viện, bệnh nhân B. đi vào hôn mê, suy hô hấp. Các bác sỹ sau đó đã xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, truyền dịch, duy trì vận mạch và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An trong tình trạng ý thức mê, đồng tử 2 bên giãn 5 mm, mất phản xạ ánh sáng, thở máy qua nội khí quản.

Cứu sống bệnh nhân ngộ độc khi ăn ốc bùn bóng ảnh 2

Ốc bùn bóng có độc tính mạnh.

Sau khi thăm khám bệnh nhân B., các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Tetrodotoxin sau ăn ốc bùn bóng. Bệnh nhân sau đó được điều trị tích cực, thở máy, bài niệu tích cực, kiểm soát huyết động.

Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân dần được cải thiện. Bệnh nhân B. sau đó được rút ống nội khí quản, ý thức tỉnh táo.

Theo TS.BS. Nguyễn Đức Phúc - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) cho biết: "Một số loài hải sản có độc tố thần kinh Tetrodotoxin có thể gây độc và dẫn tới tử vong cho con người. Một số loài sản sinh chất độc Tetrodotoxin như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển…

Cứu sống bệnh nhân ngộ độc khi ăn ốc bùn bóng ảnh 3

Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân B. đã ổn định sức khỏe.

Theo bác sỹ Phúc, độc tố Tetrodotoxin có độc tính rất mạnh bền vững với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Ở người, liều gây chết người của tetrodotoxin là khoảng 1 đến 2 mg và liều tối thiểu cần thiết để gây ra các triệu chứng ngộ độc là khoảng 0,2 mg.

“Nhiều trường hợp ngộ độc có thể gây rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Trên thực tế đã có những trường hợp bệnh nhân tử vong trên đường vận chuyển cấp cứu do ở trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế”, bác sỹ Phúc nói.

Hiện nay không có thuốc giải độc đặc hiệu nên khi phát hiện người bị ngộ độc Tetrodotoxin với các triệu chứng cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Ốc bùn bóng (Nassarius glans) là một loài ốc biển thuộc họ Nassariidae, là động vật thân mềm chân bụng sống ở biển Biển Hồng Hải, Ấn Độ Dương, Vịnh Thái Lan và Biển Đông. Ốc bùn bóng có chứa độc tố Tetrodotoxin với hàm lượng 60mg/kg.

Vỏ ốc bùn bóng khá mỏng, nhẵn có hình trứng và hình nón. Màu nền của nó là màu trắng, với các đốm màu đỏ sẫm. Trên phần lồi của vòng xoáy ốc này có thể đếm được chín hoặc mười đường xa, song song và nằm ngang, có màu hạt dẻ sáng, đôi khi màu nâu, lúc khác màu đen.

MỚI - NÓNG