Cựu binh Điện Biên Phủ với Đại tướng

Cựu binh Điện Biên Phủ với Đại tướng
TP - Với Trung tướng Lê Nam Phong, khi tham gia chiến dịch Điện Biên, ông may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc gặp gỡ với Tiền Phong vào sáng 6/10, ông đã bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với Đại tướng.

> Những giờ phút cuối cùng của Đại tướng
> Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khóc thương người Anh Cả

Đại tướng vẫn trêu tôi “Đại đội trưởng đầu trọc”

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 thời chống Mỹ; Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; Giám đốc Trường Sĩ quan lục quân 2 kể lại: “Tôi gặp Đại tướng lần đầu khi tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950.

Trước đó đã nghe nhiều lời ngưỡng mộ về Đại tướng nhưng phải tới khi gặp trực tiếp, tôi mới thấy Đại tướng thực sự là người có uy, thần mà ai gặp một lần cũng cảm thấy nể phục. Năm 1954, khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là đội trưởng đại đội 225- Đại đội có cái tên là Đại đội đầu trọc bởi vì thiếu nước, lại suốt ngày nằm hầm nên vệ sinh tắm rửa rất khó khăn, cắt trọc đi như vậy cho tiện lợi.

Một hôm Đại tướng đi khảo sát mặt trận, chúng tôi được lệnh gặp và báo cáo công việc với Đại tướng. Thấy tôi đầu trọc, Đại tướng đã hỏi nguyên nhân. Chẳng lẽ lại báo cáo thật những khó khăn của đơn vị để cho Đại tướng thêm lo lắng, tôi bèn bảo: “Chúng tôi cắt trọc đi để hạ quyết tâm giải phóng Điện Biên”.

Không ngờ Đại tướng cười và gọi tôi là Đại đội trưởng đầu trọc. Chỉ một lần như thế thôi nhưng tôi không ngờ mãi tới năm 1979, khi gặp tôi, Đại tướng vẫn nhớ: “À đó là cậu đại đội trưởng đầu trọc”. Trí nhớ của Đại tướng thật là siêu phàm bởi một chỉ huy cấp đại đội như tôi mà sau 25 năm Đại tướng vẫn còn nhớ.

Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi chỉ là một đại đội trưởng và chưa có nhiều về kiến thức quân sự. Có chuyện chúng tôi chưa hiểu như là đã đưa pháo vào trận địa rồi lại rút pháo ra. Có ý kiến thắc mắc nhưng là lính, chúng tôi phải chấp hành theo quân lệnh. Sau này tôi mới biết chính Đại tướng là người đã chuyển chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” ban đầu thành “Đánh chắc tiến chắc”. Chiến lược đầy sáng suốt đó đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Và những lần gặp sau

Không chỉ là vị tướng tài ba trên chiến trường, đời thường Đại tướng luôn gần gũi, gắn bó với mọi người. Tôi nhớ hồi năm 1993 khi tôi còn là Hiệu trưởng trường Lục Quân 2 đóng tại Long Thành - Đồng Nai. Nhân kỷ niệm ngày thành lập trường, chúng tôi đã mời Đại tướng và phu nhân tới thăm trường. Dù bận nhiều việc nhưng Đại tướng vẫn nhận lời.

Tại đây, Đại tướng đã ân cần thăm hỏi mọi người, chụp hình chung với tất cả các chiến sỹ đang công tác và học tập tại đây. Tôi nhớ khi Đại tướng nghỉ lại, tôi đã bấm nhầm nút sưởi cho chiếc máy lạnh phòng của Đại tướng khiến căn phòng nóng ran. Mãi sau chúng tôi mới phát hiện và chỉnh lại, còn vợ chồng Đại tướng chỉ cười, không trách.

Năm 2005, tôi được gặp Đại tướng trong Lễ kỷ niệm 30 Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Gặp tôi, Đại tướng đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và gia đình. Biết tôi đã về hưu, Đại tướng dặn dù đã nghỉ hưu vẫn nên tích cực tham gia các công tác tại địa phương, mình còn sức khỏe, đóng góp được gì cho xã hội thì nên làm để chứng tỏ còn có ích.

Không ngờ đó là lần cuối tôi được gặp Đại tướng. Buổi tối hôm nghe tin Đại tướng qua đời, tôi gọi điện cho những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa hiện đang ở TPHCM tập trung lại ở nhà tôi. Chúng tôi đã khóc rất nhiều và dành một phút mặc niệm để nhớ về Đại tướng cũng như ôn lại những kỷ niệm với Đại tướng. Đại tướng là người anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự ra đi của Đại tướng dù đối với tôi không phải là bất ngờ nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nghẹn ngào, đau đớn”.

Trong phòng lưu niệm ở nhà Trung tướng Lê Nam Phong có 2 tấm hình được treo rất trang trọng, đó là tấm hình Hồ Chủ tịch và tấm hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những cựu chiến binh Điện Biên thường hay tụ tập về đây để cùng ôn lại những kỷ niệm chiến thắng Điện Biên đầy hào hùng năm xưa. Cũng tại đây, ông đã sưu tầm hàng trăm cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong cuốn hồi ký của mình, ông cũng dành hẳn 1 chương chỉ để viết về tài đức của Đại tướng - người mà ông cho rằng đã dìu dắt ông trưởng thành tới ngày hôm nay. Những ngày này, phòng lưu niệm này luôn nghi ngút khói hương vì những người đồng đội, những người quen đều đến đây thắp một nén nhang cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ coi phòng lưu niệm này như là nơi tưởng niệm Đại tướng.

Trọng Thịnh ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xây cáp ngầm dài hơn 77 km đưa điện ra Côn Đảo
Xây cáp ngầm dài hơn 77 km đưa điện ra Côn Đảo
TPO - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, ngay trong tháng 12 Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ được triển triển khai. Dự kiến trong quý IV/2025 điện sẽ ra đến Côn Đảo.