Cương cường & bao dung

Cương cường & bao dung
TP - “Chúng ta bao dung với ngư dân Trung Quốc, không phải vì e sợ điều gì, mà ở đây, chúng ta không thể để mang tiếng quân đội trấn áp ngư dân. Dù theo lý, rõ ràng ngư dân của họ ngang nhiên vi phạm, và có nhiều trường hợp hung hăng chống trả …”.

> Một ngư phủ bị bắn chết trên biển

Giữa cơ man những vụ ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc giam giữ, đánh đập, tịch thu sạch tài sản lương thực, tước luôn mọi phương tiện, nhiên liệu đi biển rồi thả thuyền và hàng chục mạng người tơi tả chơi vơi giữa đại dương bão tố, thì phát biểu của người chỉ huy hải đội biên phòng Đà Nẵng hẳn khiến những ai có lương tri trên thế giới này phải suy nghĩ.

Thực tế, những năm qua hàng ngàn lượt tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam, có khi chỉ cách đất liền vài chục hải lý. Cơ quan chức năng Việt Nam đã kiên quyết dùng mọi biện pháp đẩy đuổi để khẳng định chủ quyền thiêng liêng biển đảo quốc gia.

Nhưng tịnh không có một dòng tin, hình ảnh nhỏ nào về việc Việt Nam ngược đãi ngư dân Trung Quốc xuất hiện trên các hãng thông tấn quốc tế. Trong khi những hành vi ngược đãi ngư dân Việt Nam nghèo khó tay không tấc sắt từ phía đất nước được coi là “cường quốc” này lại xuất hiện nhan nhản trên báo đài nước ngoài.

Một quốc gia hùng mạnh chưa hẳn là một dân tộc lớn. Người dân quốc gia ấy cũng chưa chắc nhận được sự tôn trọng của người khác.

Người dân một số quốc gia được cả thế giới ngả mũ kính phục, bởi đức tính cương cường và bao dung. Trong thảm họa, họ cắn răng chịu đựng mất mát thương đau của bản thân, và cũng chính họ lại tỏ ra lo lắng khi biết mình làm phiền người khác. Thật nhầm lẫn khi coi đó là sự “nhu nhược”.

Cũng như ứng xử của đại đa số người Việt. Chịu khó chịu khổ, hiền lành, thủy chung, ngại va chạm làm mất lòng ai. Thương người như thể thương thân, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Nhưng trước cường quyền bạo lực, trước kẻ xâm lăng, thì mỗi người Việt là một lũy thép, một thành đồng. Lịch sử dựng nước và giữ nước ngàn đời bi tráng của dân tộc Việt đã có quá nhiều trang ghi lại, nhân loại từng chứng kiến.

Triết gia Khổng Tử dạy người Trung Quốc: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Còn Đại thi hào Nguyễn Trãi thì tuyên ngôn cho tinh thần Việt: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Lòng bao dung và sức mạnh tự tôn dân tộc của người Việt với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” vẫn đêm ngày được mài sáng bên bờ biển Đông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG