Cước phí vận tải biển tăng cao: Doanh nghiệp chuyển hướng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến cước phí vận tải tàu biển tăng cao. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải chuyển hướng thị trường để duy trì hoạt động xuất khẩu. Tình trạng bất ổn tại khu vực Biển Đỏ được dự báo có thể còn kéo dài khiến DN Việt đối diện nguy cơ mất đơn hàng, hàng hóa bị ùn ứ.

Ngay từ đầu tháng 1/2024, cước vận tải từ Việt Nam sang một số thị trường xuất khẩu trọng điểm tăng phi mã khiến hoạt động xuất khẩu của DN ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đây, cước phí vận chuyển một container hàng sang châu Âu khoảng 2.000 USD, thì nay đã tăng lên gần 4.000 USD. Thậm chí, giá cước vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ tăng đến 70%.

Cước phí vận tải biển tăng cao: Doanh nghiệp chuyển hướng thị trường ảnh 1

Theo dự báo, tình trạng căng thẳng ở Biển Đỏ có nguy cơ kéo dài ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex chuyên xuất khẩu thủy sản cho biết, ngành thủy sản đang đối mặt rất nhiều khó khăn khi có tới 80% lượng thủy sản của Việt Nam xuất đi bờ Đông Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) và đều đi qua kênh đào Suez. Do những bất ổn tại khu vực Biển Đỏ, hiện vòng quay của tàu hàng lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.

Theo ông Kịch, thông thường thời gian vận chuyển sang châu Âu là 28-30 ngày, nay các hãng tàu thông báo kéo dài lên 47-55 ngày, cước phí vận chuyển cũng tăng cao theo. “DN thủy sản đang chật vật mong hồi phục sau một năm kinh doanh ảm đạm, nay tiếp tục đối diện với khó khăn về cước phí. DN kham không nổi. Với tình hình này, chúng tôi đang nghiên cứu chuyển sang một số thị trường ở châu Á, Đông Bắc Á”, ông Kịch nói.

Ông Trần Việt Long, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt Phát chia sẻ, doanh nghiệp đang bị chậm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm mỹ nghệ từ Việt Nam sang EU (cụ thể là Đức và Hà Lan) hơn 1 tháng do hoạt động vận tải bị gián đoạn và nhiều đơn vị vận tải biển tăng quá cao cước vận tải.

“DN đã đàm phán với các đối tác về thời gian giao hàng cũng như chi phí mới phát sinh do tác động ngoài mong muốn. Tuy nhiên, đối tác chỉ đồng ý hỗ trợ khoảng 30% chi phí cước phát sinh, phần còn lại DN phải bù đắp”, ông Long chia sẻ.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị phần xuất khẩu của DN dệt may hiện chủ yếu ở thị trường châu Âu và Mỹ. Từ vài tuần nay, hàng hóa bị đình trệ, nhiều lô hàng đang phải đi đường vòng khiến thời hạn giao hàng kéo dài thêm 2 đến 3 tuần.

Nguy cơ kéo dài

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, tình trạng bất ổn tại khu vực Biển Đỏ có thể còn kéo dài. Do vậy, các DN xuất nhập khẩu và DN logistics cần chủ động theo dõi sát tình hình để lên các phương án trao đổi với các đối tác lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp. Ví như thay vì thực hiện bằng đường biển có thể kết hợp vận tải bằng đường hàng không, đường sắt hay xà lan.

Với đối tác ở châu Âu và Mỹ, DN cần làm việc cụ thể đề phòng một số trường hợp có thể kéo dài thời gian gửi hàng và nhận hàng. Bên cạnh đó, DN cần tiếp tục tìm kiếm và đa dạng nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng bất lợi trong chuỗi cung ứng, đồng thời bổ sung ngay điều khoản liên quan đến bồi thường và miễn trách nhiệm trong những tình huống khẩn cấp. “Các hợp đồng đều phải mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và hàng hóa bị tổn thất khi đi qua tuyến đường gặp sự cố, hoặc bị giảm chất lượng do kéo dài thời gian vận chuyển”, ông Trung chia sẻ.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tình trạng này kéo dài có thể sẽ khiến các đối tác nhập khẩu tính đến phương án tìm nhà cung cấp thay thế (để không phải đi qua khu vực Biển Đỏ), khiến DN Việt đối diện nguy cơ mất đơn hàng, hàng hóa sẽ bị ùn ứ nghiêm trọng. Giải pháp trước mắt là DN cần tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, đồng thời, nghiên cứu tuyến vận tải thay thế...

Trước tình trạng cước phí vận tải container tăng cao vì xung đột trên Biển Đỏ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai nhiệm vụ hỗ trợ DN, đặc biệt là với DN xuất nhập khẩu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau chỉ đạo của Bộ GTVT, cục này đã giao chi Cục Hàng hải Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM tăng cường kiểm tra, kê khai và niêm yết giá cũng như các khoản phụ thu đối với hàng container, ngoài ra, kiểm soát ổn định giá dịch vụ khác trong giai đoạn thị trường biến động.

Theo ông Mười, đây là sự việc bất khả kháng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu nên chúng tôi đang làm việc với các hãng tàu nước ngoài có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu...

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, hiện nước ta có khoảng 26 tuyến vận tải đi châu Âu, châu Mỹ (do khoảng 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận) xuất phát từ các bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).

“Chúng tôi đang quyết liệt triển khai kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng giá dịch vụ tăng mà các đơn vị tăng giá sai quy định, ảnh hưởng đến DN”, ông Mười nói.

MỚI - NÓNG