Cuộc chiến chống dịch chưa có hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịch COVID-19 sau thời gian tạm lắng đang có nguy cơ gia tăng trở lại đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết đang lan rộng với nhiều ca bệnh nặng, tử vong. Cuộc chiến chống dịch tại TPHCM đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Ngành y tế đang kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để đẩy lùi các dịch bệnh truyền nhiễm, tập trung sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế.

Dịch chồng dịch

Cuối tháng 8/2021, chị N.T.Ph (36 tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM) đã cùng lúc mất 2 người thân trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát. Chị Ph nhớ lại: “Thời điểm đó, cả gia đình tôi mắc COVID-19. Trong hoàn cảnh toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận các dịch vụ y tế gặp nhiều khó khăn, đến khi bệnh diễn tiến nặng bà cô trong gia đình và chồng tôi mới được chuyển đến bệnh viện. Tuy nhiên, mọi việc đã muộn”.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, khoa Bệnh Nhiệt Đới đã tiếp nhận 650 ca SXH nặng chuyển đến (trong khi trung bình các năm trước đó chỉ 300 ca). Số ca mắc COVID-19 mức độ nặng cũng đang tăng trở lại. Trong hơn 40 ca đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hơn 60% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến, trong đó có 21 ca nặng, nguy kịch, tỷ lệ tử vong 30%. Phần lớn bệnh nhân tử vong có độ tuổi trung bình từ 70 trở lên, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc tiêm không đủ liều.

Nỗi ám ảnh của dịch COVID-19 còn chưa nguôi thì mới đây đến lượt con gái của chị Ph là bé L.N.H.Th (10 tuổi) phải nhập viện vì sốc sốt xuất huyết (SXH). Bé có cơ địa dư cân, sau 2 ngày sốt cao liên tục khó hạ sốt bằng thuốc. “Tôi đưa con đến bệnh viện thì được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và xác định bé bị sốc SXH. May mắn là sau hơn 1 tuần điều trị liên tục, con tôi đã bình phục tốt. Dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã khiến cuộc sống bình an, hạnh phúc của chúng tôi không còn như trước” - chị Ph nói.

Dịch COVID-19 đã để lại nhiều mất mát, đau thương trên địa bàn TPHCM.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 8/2022, toàn thành phố đã có khoảng 616.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có gần 20.500 người đã tử vong. Nỗ lực của ngành y tế với sự hỗ trợ của các tỉnh, thành trên cả nước đã giúp TPHCM từng bước khống chế và kiểm soát được dịch bệnh.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, biến chủng mới của COVID-19 liên tiếp xuất hiện tại TPHCM và cả nước khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại trên phạm vi rộng đang hiện hữu. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chỉ tính từ ngày 19 đến 25/8, thành phố đã có 1.114 ca mắc mới, tăng 258 ca so với tuần trước, trong đó có 78 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp, 15 ca thở máy và 1 ca phải lọc máu.

“Vũ khí quan trọng nhất mang tính quyết định trong phòng chống dịch COVID-19 vẫn là vắc xin. Các địa phương, ngành giáo dục tuyệt đối không được lơ là mất cảnh giác trước dịch bệnh, bởi hiện tại, TPHCM đang ở tình trạng dịch chồng dịch”. PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Cùng với dịch COVID-19, dịch SXH cũng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn TPHCM đã ghi nhận hơn 46.000 trường hợp mắc SXH. Số ca bệnh tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm trước với 18 ca tử vong. Dù ngành y tế thành phố đã có nhiều giải pháp và có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bùng phát, tuy nhiên dịch vẫn diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi ngày, TPHCM có khoảng 200 ca bệnh nặng phải điều trị.

Cuộc chiến chống dịch chưa có hồi kết ảnh 1

Người dân ở TPHCM đã chịu nhiều đau thương, mất mát trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Phạm Nguyễn

Chung tay phòng chống dịch bệnh

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, thành phố phải liên tiếp thiết lập bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức COVID-19, các trạm y tế lưu động phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng quân y chăm sóc F0 tại nhà.

Bên cạnh đó là chiến dịch xét nghiệm, tiêm chủng, bảo vệ người có nguy cơ được triển khai trên quy mô chưa từng có. Sau khi trải qua những tháng ngày căng thẳng ứng phó với đại dịch toàn cầu, thành phố đã có những tháng ngày bình yên, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên hiện nay, TPHCM đang đối mặt với tình trạng dịch chồng dịch, đe dọa sức khỏe của cộng đồng và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Cùng với số ca mắc mới gia tăng trở lại, số ca bệnh nặng cũng đang tăng theo, nhiều trường hợp phải thở máy.

Đáng lưu ý, thống kê của các cơ sở điều trị cho thấy, hầu hết bệnh nhân diễn tiến nặng đều chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc chưa được tiêm đầy đủ các mũi theo khuyến cáo của ngành y tế.

Cuộc chiến chống dịch chưa có hồi kết ảnh 2

Tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp khiến TPHCM đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 tăng trở lại

ảnh: Vân Sơn

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính đến cuối tháng 8/2022, tỉ lệ người dân tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của thành phố đang ở mức thấp so với cả nước. Cụ thể, những người phải tiêm mũi 4 (từ 18 tuổi trở lên) TPHCM mới đạt 48,7%, trong khi tỷ lệ này của cả nước đạt 70,2%; mũi 1 (trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) mới đạt 57,2% (tỷ lệ cả nước đạt 80,9%) và mũi 2 đạt 30,6% (tỷ lệ cả nước đạt 51,2%). TPHCM đã chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho cộng đồng.

Tuy nhiên, tỷ lệ các đối tượng thuộc diện tiêm chủng trên địa bàn thành phố chưa đạt được mục tiêu. Trong bối cảnh nhiều biến chủng mới của COVID-19 liên tiếp xuất hiện, lỗ hổng miễn dịch cộng đồng do tiêm chủng chưa đầy đủ sẽ khiến người dân TPHCM đối mặt với nguy cơ lây nhiễm ở mức cao.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM kêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống cả 2 loại dịch bệnh đang đe dọa sức khỏe cộng đồng là COVID-19 và SXH bằng việc đồng thuận đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khi đến lịch tiêm chủng. Phụ huynh có con từ 5 tuổi trở lên cần đưa trẻ đi tiêm phòng COVID-19 để tránh nguy cơ mắc bệnh, diễn tiến nặng, tử vong.

Với dịch SXH, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo cộng đồng tăng cường vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, chủ động đến bệnh viện thăm khám, điều trị sớm khi có biểu hiện mắc SXH.

MỚI - NÓNG