Bản hùng ca chống dịch COVID-19 bi tráng của TPHCM
TPO - 0h ngày 9/7/2021 đi vào lịch sử chống dịch COVID-19 của TPHCM khi cả thành phố bước vào đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, kéo dài gần 3 tháng.
0h ngày 9/7/2021, TPHCM chính thức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Theo đó, người dân chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ... Thời điểm đó, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3, số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca. Trong ảnh, nhiều phương tiện dồn ứ tại trạm thu phí Chợ Đệm vì không đủ điều kiện vào TPHCM.
TPHCM chìm vào sự im lặng. Chỉ những người có giấy phép hoặc thuộc lực lượng chống dịch mới được ra khỏi nhà.
Giữa tháng 7/2021, TPHCM khẩn trương san lấp mặt bằng một đầm lầy rộng hơn 5 héc-ta để xây dựng bệnh viện dã chiến số 13 đón F0 vào điều trị. Vị trí san lắp nằm tại lô đất số 6, khu 9A + B, trước là ao đầm, nền đất mềm thuộc khu đô thị mới phía Nam thành phố, mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Tất cả vì TPHCM ruột thịt, dẫu biết hiểm nguy, gian khổ nhưng tình nguyện viên cả nước hăng hái lên đường chi viện, tăng cường lực lượng cho miền Nam.
Bên cạnh lực lượng tình nguyện viên chi viện, TPHCM cũng đón nhận nhiều trang, thiết bị y tế được cả nước gửi về để phục vụ công tác chống dịch.
Thời điểm bệnh viện dã chiến số 13 đi vào hoạt động, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Hà Nội, cho biết, sau 6 ngày tiếp nhận bệnh nhân, toàn bộ số giường của bệnh viện đã kín.
Sau một ca trực, điều dưỡng Nguyễn Thị Nhung bước vào bên trong khu vực thay khẩu trang, những vết hằn lộ rõ, hiện trên khuôn mặt của bà mẹ có hai người con tình nguyện vào TPHCM chống dịch. "Tôi không ngờ TPHCM có ngày buồn đến thế, đau lòng quá. Tôi vào từ 5/8/2021, chính thức tham gia chữa trị bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến 13 được 3 ngày. Khi tôi bón sữa và bánh cho một cụ ông, cụ nhìn tôi và rơi nước mắt. Tôi cảm nhận giọt nước mắt như muốn nói lời cám ơn và như một sự tủi thân khi không có người thân bên cạnh. Đồng cảm với bệnh nhân, tôi và anh chị em cố gắng hết sức. Hạnh phúc lắm khi bệnh nhân nói món ăn hôm nay ngon quá", chị Nhung xúc động.
Một buổi tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc COVID-19 của bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8).
Đến giai đoạn F0 không cần phải cách ly, lực lượng y tế xuống tận nhà thăm khám, tư vấn.
Lực lượng quân đội thuộc Binh chủng Hoá học cũng được điều động, phun tiêu độc, khử trùng thành phố.
Lực lượng quân đội bổ sung tại các chốt gác phòng chống dịch COVID-19. Hình ảnh ghi nhận tại chốt dưới chân cầu Chợ Cầu, quận Gò Vấp.
Người mất vì COVID-19 được TPHCM hỗ trợ toàn bộ chi phí hoả táng.
Sau khi thiêu, phần tro cốt được lực lượng chức năng trao tận nơi cho người thân. "Dịch thế này người dân đâu có đi chợ được, nhất là ở trong khu phong toả. Chúng tôi chuẩn bị luôn hoa quả để bày lên bàn thờ. Có trường hợp, anh em chúng tôi không thể kiềm nén sự xúc động khi trao hũ cốt cha và mẹ cho hai bé mới học cấp ba. Chúng chỉ vào chiếc bàn học nói đó là nơi lập bàn thờ", một chiến sĩ nhận nhiệm vụ trao hũ cốt tâm sự.
Thành phố đã kiên cường đi qua giai đoạn đau thương khi dịch COVID-19 bùng phát. Hình ảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng bóng người đánh dấu thời khắc lịch sử buồn của TPHCM.
Sau ngày 1/10/2021, nhịp sống của người dân TPHCM dần trở lại theo cách của bình thường mới.
Đã có những chuyến hồi hương quy mô lớn được chính quyền và doanh nghiệp vận tải hỗ trợ người dân.
Người dân về quê sau nhiều tháng ở lại TPHCM.
"Bóng tối" COVID-19 được đẩy lùi, lực lượng chi viện cả nước chào tạm biệt TPHCM để quay về với công việc thường ngày.
Có quá nhiều mất mát và hy sinh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 mà trong khuôn khổ một bài ảnh không thể nói hết được. Một năm trôi qua, số đồng bào ra đi vì COVID-19 tại Việt Nam đã vượt trên 43.000 người. Mọi thứ có lẽ sẽ còn ngân mãi trong tiềm thức mỗi người, bởi không một ai ra đi vì COVID-19 bị lãng quên giữa cuộc đời này.
Hạnh phúc không chỉ là ngày chung đôi mà còn là được nhìn thấy nhau, nở một nụ cười vì an toàn vượt qua đại dịch, duy trì hơi thở để con tim hoà chung nhịp đập.