Hoạt động sản xuất đình trệ hay bị cản trở vì hàng lậu sẽ dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, công ăn việc làm cũng vì thế mà bị thu hẹp lại.
Hãy lấy Pakistan làm ví dụ. Người ta nói tình trạng buôn lậu ở nước này nghiêm trọng đến mức tồn tại song song hai nền kinh tế, một nền kinh tế chính thức và còn lại là nền kinh tế ngầm. Các chợ, các cửa hàng ở Pakistan tràn ngập hàng lậu, được tuồn vào từ Iran, Afghanistan, Trung Quốc, ước tính chiếm 50-60 số hàng hóa trên thị trường. Hậu quả là hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước điêu đứng hoặc không thể lớn mạnh chỉ vì hàng lậu trên chợ giời. Hàng lậu gây thiệt hại cho nền kinh tế Pakistan ở mức 2,5-3 tỷ USD/năm.
Kinh nghiệm về buôn lậu của nhiều quốc gia (cả những nước thất bại như trường hợp Pakistan) cho thấy ở đâu thành công, ở đó hội tụ đủ các yếu tố: luật pháp nghiêm minh, hệ thống công quyền hoạt động minh bạch và hiệu quả, ý thức của người dân trong việc nói không với hàng lậu.
Ở nước ta, tình hình buôn lậu chưa bao giờ bớt nóng bỏng và nếu chiểu theo các điều kiện vừa kể trên, chuyện chống buôn lậu kém hiệu quả là tất yếu. Hãy lấy những gì đang diễn ra ở khu vực biên giới Tây Nam làm ví dụ. Đang là mùa nước nổi và cũng là mùa buôn lậu sôi động, theo “thông lệ”. Biên giới với Campuchia chưa bao giờ hết nóng vào mùa này với đủ loại mặt hàng, từ thuốc lá, đường đến các mặt hàng chiến lược như xăng dầu…
Nhưng thực tế diễn ra trong nhiều năm qua cho thấy các cơ quan chức năng chuyên trách chống buôn lậu như hải quan, biên phòng đang đơn độc trong cuộc chiến chống hàng lậu. Rất nhiều nơi, lực lượng chức năng phải đối đầu với nhiều người dân sẵn sàng tham gia đường dây vận chuyển hàng lậu với suy nghĩ đơn giản là họ “chẳng làm gì hại ai”. Những cuộc bố ráp buôn lậu diễn ra không mang lại nhiều kết quả bởi rất đông người dân chưa ý thức đầy đủ những gì họ đang làm và tác hại của chúng đối với xã hội lớn như thế nào. Và câu chuyện người tiêu dùng Việt biết và dám nói không với hàng lậu, nói không với những loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đủ giấy tờ hợp pháp vẫn còn rất xa vời. Chỉ một chút lợi nhỏ cũng có thể khiến nhiều người quên rằng mình đang tiếp tay gây hại đất nước.
Và đó chính là những việc cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới nếu chúng ta muốn bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ miếng cơm manh áo của người lao động chân chính. Chỉ khi mỗi người biết nói không, hoặc buộc phải nói không với hàng lậu, cuộc chiến này mới có cơ hội giảm nhiệt.