Công khai tài sản

TP - Trên thế giới, có thể tồn tại nhiều kiểu định nghĩa về tham nhũng, nhưng tựu trung đó là hành vi mờ ám, không phù hợp với đạo đức nhằm trục lợi cá nhân của những kẻ có chức có quyền.

Trục lợi cá nhân có nhiều dạng nhưng xét cho đến cùng vẫn là những lợi ích vật chất. Chính vì thế, ý kiến của một chuyên gia nêu hôm qua, đại ý rằng muốn chống tham nhũng thì phải kiểm soát được tiền bạc, tài sản của quan chức, đã nêu ra mấu chốt của cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta. “Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống được tham nhũng. Kiểm soát tài sản chính là bảo bối để phòng chống tham nhũng”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, ngày 6/9.

Hãy làm một cuộc thống kê để xem có bao nhiêu phần trăm người dân chấp nhận ý kiến của một số quan chức rằng họ xây biệt phủ nguy nga bằng tiền tiết kiệm, bằng chăn nuôi lợn hay buôn chổi chít? Và nếu không chấp nhận thì thái độ của họ ra sao, phản ứng thế nào với chuyện này?

Bấy lâu nay, các cơ quan Nhà nước thường nêu ra biện pháp kê khai tài sản đối với quan chức các cấp, nhưng việc này, theo giới quan sát, vẫn còn rất hình thức. Có nghĩa là chủ trương không sai nhưng cách làm có vấn đề.

Thực tế chống tham nhũng ở nhiều quốc gia, nhất là tại các quốc gia đang phát triển đã cho thấy việc kiểm soát tài sản chính là chìa khóa cho vấn đề. Để thực hiện việc này, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, một số quốc gia ở Đông Âu đã và đang thiết lập một hệ thống cơ chế chống tham nhũng với các biện pháp mạnh mẽ và toàn diện kiểm soát tham nhũng. Để thực hiện được việc này, cần thiết phải có những cải tổ trong việc bầu cử, tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát tài sản của quan chức thông qua các số liệu được công khai trên mạng. Đi kèm là các chế tài bắt buộc mọi đối tượng muốn tham gia hệ thống công quyền phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về công khai tài sản.

Tất cả những quy định này đều được luật hóa, cho phép các cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập và người dân giám sát những tài sản như bất động sản, kể cả các công trình đang xây dựng, các loại động sản có giá trị cao, cổ phiếu, số công ty, cơ sở kinh doanh của quan chức và người thân.

Chống tham nhũng là việc cấp bách nhưng không thể chống chung chung, như một số người mới phát biểu. Do vậy, kiểm soát tài sản của quan chức chính là đột phá khẩu.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.