Việc triển khai Luật Thuế tài sản mới mục tiêu đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí được lý giải do dù có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản thông qua các chính sách thuế, phí và lệ phí Việt Nam chưa có thuế tài sản mà ở nhiều nước, đây lại là một trong những nguồn thu chủ yếu của ngân sách.
Ở khía cạnh doanh nghiệp và người dân, đánh thuế nhà ở thứ 2 được dự báo sẽ gây tác động xấu tới thị trường bất động sản. Doanh nghiệp nại rằng, nếu bị đánh thuế, sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê.
Ở góc độ cơ quan quản lý, sẽ là một nguồn thu ổn định, lâu dài và rất bền vững với số tiền thu ước tính nhiều tỷ đồng. Nếu làm được, cơ quan quản lý sẽ không nhức đầu vì sức ép từ dư luận số đông. Nhưng cái khó chính là dự luật này sẽ động chạm đến “nhóm lợi ích” đầy quyền lực là những người giàu, các doanh nhân và thậm chí cả các quan chức.
Nhiều dự báo dự luật sẽ còn gặp trở ngại không chỉ từ chính những rào cản từ cơ chế và còn từ chính những bộ ngành tham gia xây dựng dự luật. Sẽ rất khó chấp nhận việc người đưa ra chính sách lại chính là đối tượng sẽ phải nộp thuế cho những căn nhà thứ hai, thứ ba và cả thứ n mà nhiều quan chức, nhiều chủ doanh nghiệp đang sở hữu và kiếm lời đều đặn từ việc cho thuê lại hằng tháng.
Sự “dũng cảm” hy sinh lợi ích riêng để đóng thuế vì mục đích chung đối với các căn nhà thứ hai, thứ ba của các cơ quan quản lý sẽ khiến dư luận hoài nghi. Sự hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở. Mấy ai xây chính sách theo kiểu “tự lấy đá ghè chân mình”.
Trong khi chờ đợi, loay hoay với các giải pháp tăng thu, thiết nghĩ Bộ Tài chính cũng cần chủ động sớm bắt tay xây dựng dữ liệu việc sở hữu nhiều nhà của những người giàu, người có thu nhập khá ở Việt Nam hiện nay. Những khoản tiền thu được từ chính các căn hộ thứ hai, thứ ba này sẽ giúp giảm gánh nặng lớn cho chính đại bộ phận người dân hiện nay.