Người nghèo & VAT

TP - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, tăng thuế VAT như bộ này đề xuất sẽ không tác động nhiều đến người nghèo.

Cái lý được đưa ra là, nhóm thu nhập thấp nhất dành 59,6% thu nhập để chi lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục, trong khi nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% chi tiêu để mua những mặt hàng trên; ngoài ra đối với người nghèo và thu nhập thấp, đã có chính sách như hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ y tế, giáo dục, xây nhà cho người nghèo…

Cũng xin nhắc lại, với đề xuất tăng thuế VAT lần này, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác (ngoài danh mục 25 nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế) vẫn tăng mạnh, trong đó phải kể đến nước sạch tăng từ 5% lên 12%, điện tăng từ 10% lên 12%; các loại rau, hoa quả hay chi phí thuốc chữa bệnh, vắc xin, thiết bị chiếu chụp y tế... tăng từ 5% lên 6%; thực phẩm chế biến, quần áo, xăng, dầu, chi phí vận tải... tăng từ 10% lên 12%.

Vậy xin hỏi, không lẽ người nghèo không phải dùng điện, nước hàng ngày sao? Và người nghèo cùng con cái họ cũng không có quyền uống sữa hay ăn hoa quả chăng? Thêm nữa, đã nghèo thì thường lại hay ốm đau, vậy họ cũng không quyền mua thuốc hay khám chữa bệnh ? Thậm chí là người nghèo thì không phải mua xăng để chạy xe mưu sinh, không phải mua quần áo để mặc?

Vẫn biết nhà nước có chính sách hỗ trợ người nghèo như bà kể, nhưng chắc bà và mọi người đều biết, quỹ phúc lợi an sinh của chúng ta còn rất eo hẹp không thể như những nước phát triển, còn rất lâu nữa mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ.

Cuối cùng, sắc thuế VAT là loại gián thu đánh vào tất cả mọi tầng lớp người tiêu dùng, bất kể giàu nghèo. Bởi vậy, chắc chắn tầng lớp có thu nhập trung bình trở xuống, tất nhiên trong đó có người nghèo, sẽ phải chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Đơn giản là vì tỷ trọng chi cho tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày trên tổng thu nhập của họ luôn lớn hơn rất nhiều những người có thu nhập cao trong xã hội. Với người nghèo, thậm chí làm còn không đủ ăn, tức chi cho sinh hoạt, tiêu dùng 100% thu nhập mà vẫn thiếu, vẫn phải “giật gấu vá vai”.

Như vậy, người nghèo và những người làm công ăn lương, tức đại đa số người dân mới chính là đối tượng hứng chịu mạnh nhất việc tăng thuế VAT, chứ không phải chịu tác động ít nhất như lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

MỚI - NÓNG